Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Võ Thị Như Hoa cho biết, trong những năm qua, các cấp chính quyền thành phố đã chú trọng nâng cao chất lượng ban hành quyết định hành chính (QĐHC), thực hiện hành vi hành chính (HVHC) cơ bản đảm bảo đúng quy định pháp luật về căn cứ, trình tự, nội dung và thẩm quyền, số lượng QĐHC, HVHC bị khiếu kiện tại Tòa án các cấp trên tổng số QĐHC, HVHC chiếm tỷ lệ nhỏ (96 vụ/tổng số khoảng 225.000 QĐHC, chiếm tỷ lệ 0.04%). Bảy quận, huyện của thành phố trung bình trong 3 năm 2019-2021, mỗi UBND, Chủ tịch UBND quận/huyện ban hành khoảng 20.000 QĐHC, số vụ bị khiếu kiện tại Tòa án chỉ 42 vụ (chiếm tỷ lệ 0.03%).
Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Võ Thị Như Hoa báo cáo tại buổi làm việc
Các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND các cấp về lĩnh vực đất đai, nhà ở chiếm tỷ lệ lớn trong số các khiếu kiện hành chính, cụ thể: hành vi không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hành vi không thực hiện chỉnh lý biến động trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 13 vụ/tổng số 96 vụ, chiếm 13,5%; hủy quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 14 vụ/tổng sổ 96 vụ, chiếm 14,6%.
Nhìn chung, thời gian qua, trên địa bàn thành phố tình hình tranh chấp khiếu kiện liên quan đến đất đai, các quyết định hành chính ngày càng phức tạp, đối tượng khởi kiện đa dạng, phát sinh nhiều tranh chấp mới, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: thu hồi đất, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng, môi trường… Trong đó, số đơn khởi kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai luôn chiếm tỷ lệ cao và chủ yếu là khiếu kiện yêu cầu hủy quyết định thu hồi đất, yêu cầu bố trí đất tái định cư, bồi thường do bị thu hồi đất... Công tác giải phóng mặt bằng các dự án luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân nên phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, khiếu kiện.
Nguyên nhân chủ yếu phát sinh tranh chấp là do việc triển khai một số dự án kéo dài nhưng khi tiến hành áp giá bồi thường thì áp giá hoặc bố trí đất tái định cư không thống nhất. Một số vụ, việc có liên quan đến việc thực hiện các kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ về việc thu hồi hoặc sửa đổi thời hạn sử dụng đất trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai.
Một số trường hợp khác có nguyên nhân từ việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trước đây còn có sai sót, chồng lấn. Về cơ bản, số lượng QĐHC, HVHC bị Tòa án các cấp tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần chiếm tỷ lệ thấp (15/96 vụ, chiếm 15,6%/tổng số khiếu kiện thụ lý) cho thấy chất lượng QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND, UBND các cấp ngày càng được nâng cao.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc ban hành các quyết định hành chính, tiến hành hành vi hành chính trái pháp luật thời gian qua là do hệ thống văn bán pháp luật hiện nay còn thiếu các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính, thiếu các quy định thống nhất về xác định hiệu lực của quyết định hành chính, các quy định cụ thể về đính chính, sửa đổi, thu hồi, bãi bỏ quyết định hành chính, dẫn đến chất lượng của quyết định hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật có những quy định chồng chéo, không thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn thi hành luật dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất của chính quyền địa phương trong quá trình thu hồi đất, thực hiện đền bù, bố trí tái định cư, đấu giá quyền sử dụng đất, dẫn đến tình trạng khiếu kiện QĐHC, HVHC.
“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các vướng mắc, bất cập, sớm sửa đổi và hoàn thiện quy định pháp luật, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, khắc phục tình trạng quy định nhiều văn bản hướng dẫn như hiện nay nhằm tạo thuận lợi cho thực tiễn áp dụng. Mặt khác, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng của quyết định hành chính”, Chủ tịch HĐND thành phố kiến nghị.
Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, có quy định về vấn đề ủy quyền của Chủ tịch UBND cho cấp Phó hoặc các thành viên của UBND có thể tham gia trong các giai đoạn của quá trình xét xử vụ án hành chính; có chế tài quy định đối với việc Chủ tịch UBND hoặc cấp Phó không tham gia phiên xét xử các vụ án hành chính nhằm tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đối với vấn đề này; đồng thời, bổ sung quy định cho phép Thanh tra được tham gia vụ án hành chính với tư cách là người bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Chủ tịch UBND và UBND.
“Ngoài ra, đề nghị Tòa án nhân dân các cấp nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện đối thoại, nhằm rút ngắn thời gian đi lại của người dân và UBND, Chủ tịch UBND, nhưng vẫn bảo đảm việc người dân được đối thoại với lãnh đạo các cơ quan nhà nước liên quan đến đối tượng bị kiện”, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết nói.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường phát biểu kết luận buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Đảng, chính quyền thành phố Đà Nẵng trong việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện các hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND trong thời gian qua. Theo đó, các quyết định hành chính, hành vi hành chính trên địa bàn cơ bản được ban hành, thực hiện theo đúng quy định pháp luật về căn cứ, trình tự, thủ tục, nội dung và thẩm quyền, góp phần đảm bảo lợi ích của nhà nước, tập thể và cá nhân.
Đồng thời, công tác giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của công dân được tăng cường, chủ động giải quyết dứt điểm từ cơ sở, không để phát sinh thành điểm nóng; qua đó đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. “Có thể nói, Đà Nẵng là một trong những địa phương thực hiện rất tốt quy định pháp luật về giải quyết, xét xử án hành chính, thi hành án hành chính” Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội đánh giá.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả quan trọng trong việc giải quyết, thi hành án hành chính của các ngành Kiểm sát, Tòa án, cơ quan Thi hành án, các cơ quan hữu quan của thành phố Đà Nẵng đã đạt được trong thời gian qua. So với giai đoạn 2015-2017, việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết, thi hành án hành chính giai đoạn 2018- 2021 của thành phố có nhiều chuyển biến.
Thay mặt đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội tiếp thu, ghi nhận tất cả ý kiến, kiến nghị tại buổi làm việc, đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi, bố sung Luật Tố tụng hành chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan, nhằm bảo đảm đề cao và tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
“Trên cơ sở đó, Ủy ban Tư pháp sẽ kiến nghị với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc hoạch định, điều chỉnh chính sách, pháp luật; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền trong việc kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp; đồng thời, tăng cường các giải pháp tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc, bảo đảm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hành chính, thi hành bản án, quyết định hành chính”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho hay.
NGÔ HUYỀN