Nhằm chuẩn bị nội dung kỷ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 12-5, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường đồng chủ trì Hội nghị.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy và Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Trần Chí Cường chủ trì Hội nghị
Luật Nhà ở năm 2014 được Quốc hội khóa 13 thông qua đã điều chỉnh hầu hết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nhà ở: từ phát triển nhà ở, sở hữu nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở, sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, quản lý nhà nước về nhà ở và việc xử lý vi phạm các vấn đề về nhà ở. Trong đó, chính sách nhà ở xã hội đã giúp hàng triệu người dân có khó khăn về nhà ở, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, hộ nghèo tại khu vực nông thôn tạo lập được chỗ ở hợp pháp và ổn định, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh - xã hội của đất nước.
Luật Nhà ở năm 2014 góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các thủ tục và dịch vụ công, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội.
Kết quả tổng kết thực tiễn 08 năm thi hành Luật Nhà ở năm 2014 cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Nhà ở năm 2014 vẫn tồn tại một số bất cập, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung.
Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 Chương với 196 Điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng hơn 13 Điều 2; trong đó bãi bỏ 7 Điều trong Luật hiện hành (Điều 98, Điều 124, Điều 130, Điều 142, Điều 143, Điều 157, Điều 172), giữ nguyên 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; Luật hóa từ Nghị định 11 Điều.
Mục đích xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trưởng. Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 cho phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.
Đặc biệt, trên cơ sở các nội dung trong các Nghị quyết, chủ trương đường lối của Đảng có liên quan đến lĩnh vực phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở nhất là nhà ở xã hội... Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở. Qua đó, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý về các quy định về nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, quy định về sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Đa số các ý kiến cho rằng những yêu cầu trong phát triển dự án nhà ở cần phải được cập nhật, bổ sung để kịp thời điều chỉnh thực tiễn phát sinh. Quá trình đầu tư xây dựng dự án nhà ở được nhiều hệ thống pháp luật điều chỉnh nên thời gian vừa qua, địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện. Việc phát triển nhà ở xã hội còn có một số tồn tại, hạn chế. Quy định về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân còn chưa cụ thể, thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng dẫn tới nhiều nhà ở không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, hạ tầng kỹ thuật...
"Xuất phát từ những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Nhà ở năm 2014, để đảm bảo tinh đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước trong lĩnh vực phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở thì việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) để thay thế cho Luật Nhà ở năm 2014 và góp ý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là hết sức cần thiết," Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường nhấn mạnh.
KIM PHƯỢNG