Chiều ngày 6/10, Đảng bộ Cơ quan Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố do đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Đảng bộ Cơ quan Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố làm trưởng đoàn đã tổ chức để cán bộ, đảng viên, người lao động cơ quan tham gia chương trình hoạt động về nguồn tìm địa chỉ đỏ tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Đây là buổi Sinh hoạt chuyên đề quý III năm 2023 của Đảng bộ Cơ quan Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố.

Cán bộ, đảng viên Cơ quan Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa
Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, đảng viên và người lao động cơ quan hiểu rõ hơn về Huyện Hoàng Sa, một đơn vị hành chính trực thuộc Thành phố Đà Nẵng. Quần đảo Hoàng Sa là một trong hai quần đảo xa bờ thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu đời. Trong lịch sử quần đảo Hoàng Sa còn có tên là “Bãi cát vàng”. Tên quốc tế được thể hiện trên các hải đồ là Paracels. Quần đảo gồm 37 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác thuộc huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Tổng diện tích phần nổi của quần đảo Hoàng Sa khoảng 10 km2, đảo lớn nhất là đảo Phú Lâm với diện tích khoảng 1,5 km2. Quần đảo Hoàng Sa gồm 2 cụm đảo chính là cụm Lưỡi Liềm ở phía Tây; cụm An Vĩnh ở phía Đông. Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã khai phá, chiếm hữu, xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa kể từ khi các quần đảo còn là đất vô chủ, chí ít cũng từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu này là thực sự, rõ ràng, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc lãnh thổ. Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền thiêng liêng không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Ngày 19-1-1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm và tổ chức nhiều hoạt động phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù bị chiếm giữ song Nhà nước Việt Nam luôn đấu tranh, tuyên truyền nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này.
Cán bộ, đảng viên, người lao động Cơ quan Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố nghe thuyết minh về một số hiện vật tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa
Thông qua nội dung sinh hoạt đã giúp cho đảng viên, người lao động cơ quan Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền về chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển của Việt Nam. Khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là không tranh cãi, trên cơ sở lịch sử, pháp lý và công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, các hiệp định Việt Nam đã ký kết với các nước hữu quan; đặc biệt quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với các nước, nhất là với Trung Quốc. Đồng thời, cần tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông để xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng quan hệ láng giềng đoàn kết hữu nghị với tất cả các nước trong khu vực, giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Cán bộ, đảng viên và người lao động Cơ quan chụp hình lưu niệm tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa
Đồng thời, qua buổi sinh hoạt chuyên đề ý nghĩa tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã góp phần giúp các đảng viên của Đảng bộ Cơ quan Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố cảm nhận, tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, truyền thống đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; từ đó, giúp mỗi đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tình yêu biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguyễn Thị Thảo