Đà Nẵng
Giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế
Đăng ngày 09/11/2023 20:58
In bài  

Sáng 9-11, Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND thành phố về “Việc thực hiện các quy định pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố” do Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi chủ trì có buổi làm việc với Sở Y tế và một số đơn vị liên quan về tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế. Cùng tham dự buổi làm việc có các thành viên Đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo UBMTTQVN thành phố; đại diện lãnh đạo các Bệnh viện: Tâm thần, Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng, Răng - Hàm - Mặt và đại diện lãnh đạo Trung tâm y tế các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

 

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo của Sở Y tế về việc thực hiện các quy định pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn: Trong giai đoạn 2018-2021 ngành y tế đã đẩy mạnh thực hiện công tác sắp xếp, giảm 12 đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay toàn ngành có 24 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở.

Về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính ngành y tế: Tính đến tháng 4/2023 có 06 đơn vị được giao tự chủ chi hoạt động thường xuyên (Bệnh viện: Đà Nẵng, Phụ sản Nhi, Mắt, Da liễu, Ung bướu và Đa khoa Nam Liên Chiểu); 14 đơn vị tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên (Gồm 05 bệnh viện tuyến thành phố; 02 đơn vị khối dự phòng và khối điều trị của Trung tâm y tế quận, huyện) và 04 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi hoạt động thường xuyên (Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Cấp cứu Đà Nẵng, Trung tâm tư vấn dân số - KHH gia đình trực thuộc Chi cục dân số - KHH gia đình, Trung tâm Pháp y).

Về đổi mới cơ chế hoạt động, ngành y tế đã xây dựng thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương; ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực y tế - dân số.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của ngành y tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Chưa có quy định cụ thể về định mức kinh tế - kỹ thuật đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Y tế - Dân số, mới chỉ có định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh nên khó khăn trong việc xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công; việc tuyển dụng đội ngũ y bác sĩ làm chuyên môn tuyến huyện, xã gặp khó khăn; sự chênh lệch trình độ chuyên môn giữa các bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện tuyến tỉnh gây ra tâm lý thích “vượt tuyến” ở người bệnh; việc thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT chưa đảm bảo tiến độ, nhất là với các bệnh viện bội chi quỹ BHYT, gây nhiều khó khăn cho các bệnh viện về vấn đề tài chính; Chủ trương chính sách xã hội hoá trong ngành y tế chưa thực sự hiệu quả…

Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi ghi nhận, đánh giá cao việc thực hiện các quy định về cơ chế tự chủ tài chính tại Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc. Đồng thời đề nghị trong thời gian đến, để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, Sở y tế tập trung triển khai một số nội dung như: Rà soát, tham mưu đề xuất mức chi khác tính theo định mức giường bệnh được quy định Nghị quyết số 52/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 phù hợp với tình hình thực tế và các quy định liên quan; tham mưu xây dựng chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đội ngũ bác sĩ của thành phố; chủ động nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với lĩnh vực y tế trên địa bàn thành phố, trong đó quan tâm đến các chính sách như: ưu đãi về đất đai, thuế, phí, tín dụng… tạo điều kiện hỗ trợ cho các đơn vị y tế ngoài công lập, các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào lĩnh vực y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế trên địa bàn thành phố cũng như giảm gánh nặng trong đầu tư ngân sách nhà nước…

LỆ QUYÊN