Chiều 17-5, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhằm chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường và Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Duy Minh chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị
Sau khi được ban hành, dự án Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã hoàn thiện hơn về khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường bất động sản, đưa ra các quy tắc kinh doanh, giao dịch cho các chủ thể trong hoạt động kinh doanh bất động sản; thiết lập nền tảng, cơ sở pháp lý cho thị trường bất động sản vận hành.
Tuy nhiên, sau gần 8 năm triển khai thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được thì pháp luật về kinh doanh bất động sản cũng đã xuất hiện những tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung.
Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực bất động sản, hoạt động kinh doanh bất động sản, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch.
Đồng thời, hoàn thiện các quy định của luật hiện hành để phù hợp tình hình thực tế hiện nay, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Kinh doanh bất động sản với các luật khác có liên quan.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gồm 11 Chương với 93 Điều, trong đó bổ sung các khái niệm mới như: dự án bất động sản, chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản.
Cùng với đó là bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm mới, gồm: thu tiền mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng quy định; sử dụng tiền mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai của bên mua, thuê mua trái pháp luật, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật ban hành sau như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư và phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.
Tham gia ý kiến thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng tình về kết cấu, nội dung dự thảo. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng tập trung phân tích, góp ý nhiều nội dung cụ thể như: bổ sung về điều kiện đối với nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh, gồm phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; dự án phải được ngân hàng chấp thuận cấp bảo lãnh cho nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với bên mua, thuê nhà ở khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng trong hợp đồng;...
Các đại biểu cũng đề nghị rà soát các quy định trong dự án luật đảm bảo thống nhất với các luật khác có liên quan để đảm bảo tính khả thi, hạn chế vướng mắc khi tổ chức thực hiện.
THANH HẢI