Trong khuôn khổ chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 21-8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ nhất, gồm: nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh và đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường tham dự tại điểm cầu Đà Nẵng
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 Đoàn Đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự tại điểm cầu Đà Nẵng có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh; đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường.
Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát lại”, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Qua đó, đánh giá một cách toàn diện, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát. Đồng thời, cũng thể hiện sự đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ trong việc thực hiện, triển khai các yêu cầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất, mở rộng thị trường cho nông sản
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp tham mưu cho Chính phủ để sớm có chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, mở rộng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới, cũng như giải pháp để sớm hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sở hữu độc quyền, nhãn hiệu sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm lĩnh vực thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu rõ, cùng với chủ trương mở cửa thị trường, việc chuẩn hóa đối với hàng hóa nông sản cũng là một trong những yêu cầu quan trọng để tiêu thụ sản phẩm nông sản, trong đó cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số, vùng trồng, vùng nuôi.
Đặc biệt, việc xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh là nhiệm vụ quan trọng để khắc phục tính manh mún của nền nông nghiệp. Chính sách để liên kết được những mảnh ruộng nhỏ trở thành những mảnh ruộng lớn, khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn cần các địa phương quan tâm hơn nữa. Bộ có vai trò kiến nghị với Chính phủ để có những chính sách phù hợp; khi chính sách có rồi thì việc hành động ở cấp độ địa phương cũng cần quyết liệt.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng là một kênh để tiêu thụ những sản phẩm chế biến, tăng giá trị cho nông sản địa phương theo từng cấp độ. Đến nay, cả nước có hơn 13.000 sản phẩm OCOP. Nếu thực hiện tốt, đây cũng là giải pháp giải tỏa được áp lực thị trường, tạo ra sinh kế, việc làm cho bà con nông dân.
Đối với vấn đề nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Bộ đang cùng với Bộ Công Thương phối hợp xây dựng thương hiệu của nông sản. Để làm được điều này cần phải có vùng nguyên liệu tập trung để có những sản phẩm đồng đều, quy chuẩn hóa các nông sản chủ lực, xây dựng thiết chế bảo vệ hình ảnh nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) về tình hình vận động Ủy ban Châu Âu gỡ bỏ thẻ vàng về thủy sản với Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, giải pháp chủ yếu hiện nay là thực hiện tốt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó phát triển thủy sản dựa trên ba trụ cột: giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển, để đảm bảo trữ lượng thủy sản dành cho thế hệ mai sau.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, những giải pháp nhằm gỡ thẻ vàng IUU thực hiện trong suốt 7 năm qua đã có những thành quả nhất định, trong đó có việc thành lập lực lượng kiểm ngư của 28 địa phương ven biển; ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hình sự hóa những hành vi vi phạm liên quan đến IUU.
“Thời gian đến, chúng ta cần tiếp tục chứng minh về những nỗ lực của Việt Nam trong việc tháo gỡ thẻ vàng IUU; phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng vào cuộc triển khai tháng cao điểm; đồng thời, nâng cao trình độ nhân lực nghề cá, tăng cường nhận thức cho ngư dân cùng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chúng ta có sự tăng trưởng vượt bậc về xuất khẩu nông sản lúa gạo, tăng 20% so với năm 2023. Nhằm hạn chế những rủi ro của thị trường, giải pháp hữu hiệu nhất là tổ chức lại sản xuất, tổ chức ngành hàng, tổ chức lại thị trường, tổ chức lại hiệp hội và có sự điều chỉnh nhất định cho từng giai đoạn giá cả lên xuống thất thường hoặc biến cố ngoài mong muốn; có chính sách giúp đỡ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, các địa phương cũng cần tạo thị trường ổn định để đảm bảo điều hòa những nông sản của địa phương mình.
Đối với việc đưa nông sản vào thị trường khó tính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, có những mặt hàng như gạo, cà phê, điều, gỗ đều vào được thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Do đó, nếu chúng ta đảm bảo được chất lượng thì sẽ đáp ứng được các yêu cầu của thị trường. Một trong những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp là vấn đề về logistics, cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ. Thời gian đến Bộ sẽ có những chính sách đối với những thị trường đặc thù, còn nhiều khó khăn để giúp đỡ các doanh nghiệp.
Chú trọng phát triển công nghiệp văn hoá, phát huy giá trị di tích, di sản
Trả lời vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi đối với công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, công nghiệp văn hóa là vấn đề Đảng ta hết sức quan tâm, đã được ghi vào các văn kiện, các Nghị quyết chuyên đề. Để triển khai Nghị quyết, Chính phủ đã có Quyết định số 1755 năm 2016 phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Quá trình tổ chức thực hiện chiến lược để cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, 12 loại hình công nghiệp văn hóa được nhận diện, gồm: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm, trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, dịch vụ du lịch văn hóa. Với 12 nhóm ngành này, theo phân cấp quản lý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ quản lý nhà nước ở 5 nhóm ngành, còn lại các ngành khác thì các bộ, ngành khác nhau đảm đương công việc. Khi đánh giá lại tổng quát, có thể thấy đóng góp của nền công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế đã chiếm tỷ trọng khá cao.
Để tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong tình hình hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên, tổ chức Hội nghị về công nghiệp văn hóa toàn quốc, nhằm tập trung đánh giá lại hiệu quả thực hiện, xác định các trọng tâm, nhiệm vụ, giải pháp, ban hành chỉ thị kết hợp với chiến lược công nghiệp văn hóa mới. Trong đó, về khuôn khổ pháp lý, sẽ tiếp tục báo cáo Quốc hội để hoàn thiện các chính sách, luật có liên quan; xác định đề cao vai trò chủ thể của nhà nước, doanh nghiệp, nhà sáng tạo; tập trung vừa làm, vừa triển khai diện rộng, đồng thời áp dụng vào các thị trường trọng điểm, tiềm năng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) về giải pháp nguồn lực để phát huy giá trị di tích, di sản, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, để phát huy giá trị di tích, di sản thông qua việc bảo tồn, Đảng, Nhà nước đã có nhiều Nghị quyết, trong đó có quy định mức đầu tư đạt 2% tổng mức chi. Trong giai đoạn đầu tư công 5 năm qua, Chính phủ đã phân bổ 1.480 tỷ đồng cho 17 dự án ở 17 địa phương làm chủ đầu tư để triển khai phục hồi, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, so với các di tích, di sản của nước ta thì rất lớn, nguồn lực phân bổ như vậy chưa đủ và không đảm bảo.
Do đó, với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất kiến tạo 3 nội dung: nguồn đầu tư công để tiếp tục hỗ trợ cho các di tích lịch sử cách mạng, di tích yêu cầu Nhà nước phải đầu tư; huy động nguồn lực xã hội thông qua tháo gỡ cơ chế, chính sách; những bất cập cần thiết phải báo cáo Quốc hội để sửa như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… Những điểm nghẽn này nếu được khơi thông sẽ huy động được nhiều nguồn lực. Dự kiến, Kỳ hợp thứ 8 Quốc hội sẽ thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, trong đó có hợp phần về di tích, di sản, ưu tiên chống xuống cấp và phát huy tốt giá trị này.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, cần sửa đổi Luật Di sản văn hóa, trong đó cần quan tâm vấn đề xã hội hóa trong Luật này để các di tích, di sản phát huy được nguồn lực xã hội chứ không bó hẹp trong nguồn lực đầu tư công. Đồng thời, kết hợp với Quỹ bảo tồn, phát huy giá trị di sản để nhiều địa phương có thể triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp thục thực hiện thí điểm các chính sách mà Quốc hội đã đồng ý như Luật Thủ đô tập trung về hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa; Nghị quyết 98 của Quốc hội và một số địa phương khác có tính chất đặc thù… Với các chính sách thí điểm có tính chất đặc thù kết hợp với các giải pháp đồng bộ của Quốc hội thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), những vấn đề về nguồn lực sẽ được tháo gỡ để phát huy được giá trị của các di tích, di sản.
Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) liên quan đến nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chính phủ đã có các quy định để khuyến khích, động viên như giảm học phí, có chế độ ưu đãi khi học các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang triển khai trên cả nước, không chỉ trong các trường của Bộ. Về giải pháp lâu dài, căn cơ Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần phải có nhiều giải pháp để người dân yêu văn hóa Việt Nam, coi nghệ thuật truyền thống văn hóa Việt Nam là hồn cốt cần phải giữ, lưu truyền.
Siết chặt quản lý hàng giả, hàng kém chất lượng
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, hiện nay tình trạng hàng giả, hàng lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi, xuất hiện nhiều trên không gian mạng; đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp về chế tài xử phạt để đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm về xuất xứ hàng hóa và lộ trình thực hiện.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong kinh tế thị trường, việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng là rất quan trọng, nhất là trong môi tường thương mại điện tử. Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan đã tham mưu cấp có thẩm quyền để ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng này, điển hình là tham mưu ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đề án chống hàng giả, kém chất lượng, sửa đổi, bổ sung những quy định xử phạt trong thương mại truyền thống và thương mại điện tử.
Đồng thời, triển khai cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin qua Cổng thông tin quản lý thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – đây là Cổng điện tử quốc gia tại Cục Thương mại điện tử, kinh tế số (Bộ Công thương). Phối hợp tốt với các lực lượng trong phòng chống gian lận thương mại của các địa phương, yêu cầu các website rà soát để ngăn chặn, bóc gỡ hàng ngàn gian hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường hơn nữa truyền thông để hướng dẫn người tiêu dùng. Xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan (công an, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng)… Qua đó, hàng chục nghìn trường hợp vi phạm đã bị xử lý và thu về ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng liên quan đến hành vi vi phạm gian lận thương mại.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để xử phạt những hành vi vi phạm trong thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng mà Chính phủ đã ban hành.
Bên cạnh đó, tăng cường tốt hơn việc xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có liên quan để xử lý chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và chống thất thu thuế; nâng cao hiệu quả Cổng thông tin điện tử tiếp nhận và xử lý thông tin về vi phạm gian lận thương mại; đẩy mạnh công tác truyền thông để người tiêu dùng nâng cao hiểu biết và tự bảo vệ mình.
Trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) về giải pháp điều hành giá điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, biểu giá điện bậc thang là mô hình phát triển của tất cả các quốc gia, khuyến khích các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Khác với các ngành hàng khác, càng sản xuất điện càng gây nguy cơ đến môi trường.
Do đó, cần nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường vì năng lượng là ngành phát thải khá lớn. Hiện nay, cơ cấu biểu giá điện bán lẻ bình quân gồm 6 bậc. Thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì sửa đổi, bổ sung một số nghị định giảm từ 6 bậc trong biểu giá điện xuống còn 5 bậc.
Đồng thời, Chính phủ vừa có quyết định đưa Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ EVN chuyển về trực thuộc Bộ Công Thương, điều này sẽ đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong việc điều độ vận hành hệ thống điện. Chính phủ cũng ban hành Nghị định về mua bán điện trực tiếp đối với khách hàng sử dụng điện lớn; sắp ban hành nghị định về khuyến khích sử dụng điện mặt trời áp mái… những biện pháp này từng bước làm thị trường điện hoàn thiện hơn.
NGÔ HUYỀN