Đà Nẵng
Giám sát nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Đăng ngày 18/07/2024 16:58
In bài  

Sáng 18-7, Đoàn giám sát của Quốc hội có buổi làm việc với UBND thành phố về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Trưởng Đoàn công tác số 2 Nguyễn Thúy Anh và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đồng chủ trì buổi làm việc. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự và chỉ đạo buổi làm việc.

UBND thành phố làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023

Triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước

Theo báo cáo, từ năm 2015, ngay sau khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 có hiệu lực thi hành, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao theo quy định; tăng cường nắm bắt thông tin, diễn biến thị trường để có các biện pháp kịp thời điều tiết thị trường bất động sản, không để xảy ra tình trạng tăng trưởng nóng, bong bóng bất động sản.

Thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND thành phố đã phê duyệt điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030; Chương trình phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030; Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Đà Nẵng; phê duyệt 8/9 đồ án quy hoạch phân khu đô thị, đang khẩn trương thẩm định, phê duyệt 1 đồ án quy hoạch phân khu đô thị còn lại trong tháng 7-2024; đang hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai chấp thuận, triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn.

Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, xử lý đơn thư khiếu nại, phản ánh liên quan đến việc huy động vốn, thực hiện giao dịch bất động sản không đúng quy định pháp luật của một số chủ đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn. Triển khai thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai… Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án bất động sản trên địa bàn nhằm khơi thông nguồn lực xã hội.

Giai đoạn 2015-2023, thị trường bất động sản đã có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của thành phố, với giá trị tăng thêm hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 5,56% tổng GRDP cùng giai đoạn, mỗi năm đóng góp gần 0,1 điểm phần trăm trong mức tăng GRDP, đồng thời tạo động lực tăng trưởng cho nhiều ngành nghề liên quan.

Thành phố cũng chú trọng công tác phát triển nhà ở xã hội gắn với mục tiêu “có nhà ở” cho nhân dân theo Chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” của thành phố; quan tâm, bố trí quỹ đất “sạch”, sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, và hỗ trợ kinh phí xây dựng mới, sửa chữa nhà ở đối với người có công cách mạng, hộ nghèo.

Nhìn chung, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý để phát triển nhà ở xã hội và quản lý thị trường bất động sản đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, tạo điều kiện để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Theo Chủ tịch Lê Trung Chinh, giai đoạn 2015-2023, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo thực hiện tốt chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh bất động sản rộng, thủ tục đầu tư kinh doanh bất động sản phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau đã gây không ít khó khăn trong hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như công tác quản lý nhà nước của địa phương.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tại buổi làm việc

Nhiều dự án bất động sản trước đây chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về chủ trương đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn chủ đầu tư nên gặp khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục sau này; một số dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc các kết luận thanh tra, bản án đã dẫn đến tình trạng chậm tiến độ đầu tư dự án, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư dự án bất động sản thực hiện việc đặt cọc, góp vốn, mua bán bất động sản khi chưa đảm bảo điều kiện theo quy định. Các cơ quan quản lý nhà nước đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo quy định, tuy nhiên việc khắc phục của chủ đầu tư với khách hàng (theo pháp luật về dân sự) còn chậm. Khách hàng tập trung đông người tại trụ sở các cơ quan nhà nước của địa phương để kiến nghị giải quyết mối quan hệ dân sự giữa khách hàng và chủ đầu tư, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương.

Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, chương trình giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, do Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn giám sát.

“Khi thành lập Đoàn giám sát, các đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân và doanh nghiệp đều kỳ vọng kết quả giám sát sẽ đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan; thực hiện tinh thần của Hiến pháp 2013 là “Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở””, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, thành phố Đà Nẵng là động lực. đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ; là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo buổi làm việc

Cùng với nỗ lực của thành phố, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, Nghị quyết để phát triển Đà Nẵng theo chiều sâu dựa trên nền tảng ngành dịch vụ, thương mại, vận tải, logistics, có thương hiệu và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Quốc hội cũng đã ban hành Nghi quyết số 136 cho phép thực hiện nhiều cơ chế đặc biệt để tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, như cơ chế đặc thù về ngân sách, thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, thành lập Khu thương mại tự do, cơ chế để thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các Tổ chức tín dụng để các Luật này có hiệu lực sớm hơn, thi hành từ ngày 1-8-2024 nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc hiện nay trong đó có tháo gỡ cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

“Đề nghị Đà Nẵng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành được giao trong các Luật. Tập trung thời gian, nhân lực, trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 136; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc này. Đây là 2 lĩnh vực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ đạo.

NGÔ HUYỀN