Trong khuôn khổ Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, sáng 18-3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu của các Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính trong khuôn khổ Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh và Phó Chủ tịch UBND thành phố, Đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường đồng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Cùng dự có Phó Chủ tịch phụ trách HĐND thành phố Trần Phước Sơn.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội đặt nhiều câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về 4 nhóm vấn đề chính: (1) Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; (2) Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; (3) Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; (4) Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh, dịch vụ bảo hiểm
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) về giải pháp để đảm bảo chất lượng trong mua bán hợp đồng bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các hành vi chèo kéo trong bán bảo hiểm là hành vi của các nhân viên bảo hiểm, công ty bảo hiểm. Về mặt quản lý, luật nghiêm cấm việc các cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức cao để bán bảo hiểm. Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm minh, chuyển cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh và Phó Chủ tịch UBND thành phố, Đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường đồng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng
Về điểm mới liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin, khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, cơ quan soạn thảo đã dành một chương cho hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo hợp đồng bảo hiểm gọn hơn, rõ hơn, chặt chẽ hơn. Đồng thời, cũng có quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia bảo hiểm có quyền đòi nhận lại tiền, công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm.
Trả lời đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng) về việc giải quyết bồi thường thiệt hại tài sản cho bên thứ ba, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vấn đề bồi thường thiệt hại đã được quy định rõ trong Luật Bảo hiểm năm 2023. Đối với việc thực hiện bồi thường thiệt hại chậm hoặc cố tình có kéo, gây ra tranh chấp hiện có hai kênh giải quyết, gồm: Cục Quản lý bảo hiểm chịu trách nhiệm giải quyết trong phạm vi phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; nếu có dấu hiệu lừa đảo hình sự sẽ được xử lý qua bộ phận điều tra hình sự.
“Về phía Bộ Tài chính đã chỉ đạo các công ty bảo hiểm thực hiện vấn đề này một cách nghiêm túc; công ty bảo hiểm nào dây dưa, không trả bảo hiểm thì Cục Quản lý bảo hiểm của Bộ Tài chính sẽ tổ chức thanh tra kiểm tra và giải quyết khiếu nại theo quy định” Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.
Liên quan đến bảo hiểm nhân thọ, hiện nay cả nước có 19 công ty bảo hiểm, trong đó có 2 công ty bảo hiểm trong nước, 17 công ty bảo hiểm liên doanh và nước ngoài. Theo Bộ trưởng, trong quá trình thực hiện, vai trò thanh tra, kiểm tra còn thiếu về định hướng, quản lý dẫn tới tình trạng nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm; vì vậy, Bộ Tài chính xây dựng quy trình thanh tra kiểm tra để đảm bảo đúng quy định.
Hoàn thiện thành lang pháp lý đối với các dịch vụ liên quan đến tài chính
Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết hiện nay trên cả nước có bao nhiêu doanh nghiệp kinh doanh casino và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp được triển khai kinh doanh casino có đóng góp nhiều cho kinh tế địa phương hay không, đặc biệt là trong việc thu hút du khách tới lưu trú, tiêu dùng tại địa phương? Ngoài ra, hiện nay mới chỉ có casino Phú Quốc được thí điểm cho người Việt Nam chơi các trò chơi casino. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả thí điểm này và liệu trong thời gian tới có xem xét mở rộng thí điểm cho người Việt Nam còn chơi casino hay không?”, đại biểu Nguyễn Duy Minh chất vấn.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh đặt câu hỏi chất vấn
Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay cả nước có 9 casino. Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, có 2 casino đang được xây dựng và xin chủ trương. Từ 2017 đến 2023, casino đóng góp ngân sách khoảng 9 nghìn tỷ, giải quyết gần 10 ngàn lao động; tỷ lệ người Việt vào chơi casino thấp dần theo từng năm.
Liên quan đến đặt cược và trò chơi điện tử, cả nước hiện có 93 trò chơi điện tử được đặt ở các khách sạn 5 sao; điều kiện để được đặt ở đó là doanh nghiệp phải có vốn 500 tỷ đồng trở lên, phải có hệ thống thiết bị điện tử, đội ngũ chuyên nghiệp để giám sát. Các trò chơi đó chỉ áp dụng với người nước ngoài. Hệ thống này đã hỗ trợ các khách sạn 5 sao, giúp đạt được kết quả kinh doanh cũng như giải quyết vấn đề lao động. Đối với các loại hình đặt cược, hiện có đặt cược về bóng đá, đua ngựa, đua chó, nhưng đến nay chưa triển khai được. Khi thực hiện loại hình đặt cược về bóng đá, Bộ tiến hành xây dựng quy định để tổ chức đấu thầu, gặp vướng mắc với Luật Đấu thầu.
“Vừa qua, khi sửa Luật Đấu thầu đã đưa được quy định về vấn đề này, tuy nhiên cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để triển khai đặt cược bóng đá. Đối với đua ngựa, đua chó, chủ đầu tư cần xây dựng hệ thống chuồng đua chuẩn, có các thiết bị, nhân công chuyên nghiệp, đảm bảo để triển khai. Đây là loại hình mới, Bộ đang tích cực nghiên cứu, triển khai đồng thời ngăn ngừa rủi ro ở hình thức này”, Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho biết.
Trả lời chất vấn của đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) về vấn đề kinh doanh xổ số, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, hiện có 64 công ty kinh doanh xổ số, trong đó 1 công ty trực thuộc Bộ Tài chính là Vietlott, tức là xổ số điện toán; còn lại 63 công ty xổ số là trực thuộc 63 UBND của 63 tỉnh. Thời gian qua, kinh doanh xổ số có những bước tiến triển tốt và nguồn thu từ xổ số là một nguồn thu ngân sách lớn để tập trung đầu tư cho y tế, giáo dục, nông thôn mới và các công trình hạ tầng của các tỉnh. Đối với kinh doanh xổ số của Vietlott từ năm 2011 đến nay cũng có doanh thu và đóng góp ngân sách một cách tích cực. Cùng với đó, kinh doanh xổ số cũng giải quyết khối lượng lớn lao động.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian đến sẽ hướng đến thực hiện chuyển đổi số, nghĩa là có thể mua bán ở trên hệ thống công nghệ thông tin, cùng với đó là xổ số bán qua đại lý vé số để những người lao động, người nghèo, những người yếu thế có công ăn việc làm; đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm xổ số.
Nâng cao hiệu quả công tác quan lý các ngành hải quan, kiểm toán
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) liên quan đến tình trạng vi phạm pháp luật của ngành hải quan, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, thời gian qua, ngành hải quan đã nỗ lực thực hiện chống buôn lậu và gian lận thương mại. Riêng trong năm 2023 đã bắt được trên 15.000 vụ và xử lý với giá trị khoảng 12.000 tỷ đồng, trực tiếp khởi tố 48 vụ và chuyển cơ quan điều tra gần 200 vụ.
Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp kiểm tra giám sát, thông tin tình báo từ sớm, từ xa; sử dụng hệ thống máy soi, phân tích dữ liệu… phát hiện từ sớm và xử lý; đồng thời tăng cường phối hợp với cơ quan biên phòng, cơ quan công an để trao đổi thông tin và phối hợp xử lý, bắt giữ và lập các chuyên án để xử lý nghiêm minh vi phạm.
Về vấn đề kiểm toán có sai phạm, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, có nhiều yếu tố liên quan như năng lực của cán bộ kiểm toán ở các công ty kiểm toán, tinh thần trách nhiệm của những cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp, không loại trừ trường hợp cấu kết cố tình vi phạm pháp luật để làm sai.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn
“Để hạn chế sai phạm, Bộ Tài chính đã thực hiện các chỉ đạo của Đảng, siết chặt từ khâu đào tạo, thi cấp chứng nhận kiểm toán viên, đặt ra các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật, được tổ chức thi, đào tạo một cách nghiêm túc. Thời gian đến, Bộ sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động quản lý hoạt động của các công ty kiểm toán, xử lý nghiêm các sai phạm”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Đối với chất vấn của đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) về luồng xanh trong xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, luồng xanh thực hiện gần như thông quan tự động, các hồ sơ được chuyển theo dạng điện tử, hàng hóa không bị kiểm tra, nên tốc độ thông quan rất nhanh. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt, tạo mọi điều kiện thông quan cho các doanh nghiệp; tuy nhiên vẫn có các trường hợp doanh nghiệp lợi dụng luồng xanh để đưa hàng hóa không đúng quy định vào đất nước.
“Bộ Tài chính đã áp dụng khoa học công nghệ trong xác định luồng hàng, sử dụng hệ thống camera, lực lượng tình báo tài chính, phân tích dữ liệu để hạn chế tối đa tình trạng lợi dụng luồng xanh để đưa hàng không đúng quy định vào nước ta”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.
Trả lời đại biểu Trần Hồng Nguyên (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) về giải pháp giảm bớt thuế, phí trong giá xăng dầu để bình ổn giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, giá xăng dầu được xây dựng dựa trên những yếu tố: giá hàng mua từ nhà máy hay giá hàng mua từ nước ngoài cộng với các chi phí trung gian. Chi phí ban đầu hình thành chiếm từ 65% đến 77%, còn thuế các loại như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT hay thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu chiếm từ 15% cho đến 29%; chi phí lợi nhuận định mức thì từ 1,2% đến 2%; chưa kể Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Trong những năm vừa qua, khi để đảm bảo phí, đảm bảo giảm giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ và tham mưu Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường kéo dài từ năm 2021 đến hiện nay. “Khi chúng ta hạn chế năng lượng hóa thạch chuyển sang năng lượng tái tạo thì đúng ra số thuế này phải ngày một cao lên; nhưng để đảm bảo cho kích cầu và giải quyết khó khăn cho nền kinh tế thì đã có biện pháp là giảm thuế”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.
NGÔ HUYỀN