Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, chiều 18-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao. Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu của các Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Đinh điều hành phiên chất vấn. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh và Phó Chủ tịch UBND thành phố, Đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường đồng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao
Các câu hỏi của đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính, gồm: (1) Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; (2) Thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo; (3) Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch; (4) Công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.
Tăng cường ngoại giao văn hóa, nâng cấp quan hệ với các đối tác
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) về việc triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021-2030 đã được Bộ Ngoại giao tham mưu Chính phủ ban hành. Đây là sự phát triển kế tiếp của chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2011-2020 với một số nội dung mới.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ giúp nâng cao quảng bá được hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới và ngược lại qua giao lưu văn hóa cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới. Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao đã chủ động hợp tác phối hợp với các tổ chức quốc tế, trong đó đặc biệt là Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hợp quốc. Hiện nay, trong UNESCO có 7 cơ chế quan trọng nhất, Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào 5 vị trí quan trọng nhất, trong đó có Ủy ban di sản thế giới. Đây là cơ chế hợp tác liên thông để phối hợp với bạn bè quốc tế trong việc nâng cao hợp tác văn hóa.
“Ở cấp độ quốc gia, hoạt động ngoại giao văn hóa cũng giúp tạo dấu ấn rất quan trọng thân thiện với bạn bè; hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao thời gian qua cũng được tô đậm bởi những hoạt động ngoại giao văn hóa. Bộ Ngoại giao cũng đánh giá rất cao các địa phương trên cả nước trong thời gian qua đều chú ý đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như quảng bá hình ảnh của địa phương mình trong các lễ hội, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Về giải pháp thúc đẩy quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 nước thành viên của Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 nước.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh và Phó Chủ tịch UBND thành phố, Đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường đồng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng
Trong việc thiết lập, nâng cấp quan hệ với các đối tác, Việt Nam quan tâm đến các nội hàm quan trọng như tạo dựng tin cậy chính trị cao hơn với các đối tác, từ những thế mạnh của từng đối tác để thúc đẩy khuôn khổ thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo một cách sâu sắc hơn, toàn diện hơn. Chúng ta cũng tìm ra những đột phá trong quan hệ của nước ta với đối tác, ví dụ tiêu biểu nhất là ta đã đưa ra đột phá tăng cường kết nối hạ tầng với nước bạn Trung Quốc, trong đó, các tỉnh miền bắc của ta sẽ có kết nối đường sắt liên thông với các tỉnh sâu trong nội địa Trung Quốc, kết nối với các nước Trung Á và Đông Âu.
Với Hoa Kỳ, đột phá của nước ta là hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn, tiếp tục củng cố hợp tác thương mại, đầu tư. Với Australia, chúng ta chọn trọng tâm là hợp tác về nông nghiệp công nghệ cao và giáo dục đào tạo. Với Nhật Bản, ngoài lĩnh vực hợp tác truyền thống, chúng ta đã thỏa thuận để khoản ODA thế hệ mới phải ưu đãi hơn, thuận tiện hơn cho việc giải ngân, hỗ trợ Việt Nam trong phát triển hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.
“Đối với việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược quan trọng, chúng ta đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định. Cả 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chúng ta đều đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược. Điều này thể hiện sự quan tâm, hiểu biết, tin cậy chính trị đã cao hơn rất nhiều” Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh; đồng thời cho biết, đi kèm với tin cậy chính trị là việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đối tác có thế mạnh, tranh thủ không chỉ thị trường, mà còn về lao động, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, hợp tác văn hóa… Tất cả những lĩnh vực này, Việt Nam đều đã xây dựng những nội dung, nội hàm cụ thể với từng đối tác.
Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, khai thác hiệu quả những tiềm năng hợp tác
Trả lời chất vấn của đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) liên quan đến lộ trình và giải pháp thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác, nâng cấp các cửa khẩu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thông tin, hiện có 25 tỉnh giáp biên giới trên bộ với các nước láng giềng; thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy hoạch tổng thể về việc nâng cấp các cửa khẩu của Việt Nam với đối tác láng giềng xung quanh, phù hợp với Luật Quy hoạch 2017 và Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã được Quốc hội thông qua. Những kết quả quan trọng này sẽ giúp cho việc triển khai ngoại giao kinh tế cũng như hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
Bộ Ngoại giao xác định, việc phân định biên giới cắm mốc với các nước láng giềng là thành quả quan trọng nhất là đã bảo vệ được đường biên vững chắc, lâu dài nhưng quan trọng hơn là phải khai thác được đường biên giới hòa bình hữu nghị, cùng phát triển, cùng có lợi. Vì vậy, Bộ Ngoại giao nhanh chóng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng các quy hoạch tất cả các cửa khẩu, phối hợp với các đối tác nâng cấp cửa khẩu để đảm bảo lưu thông hàng hóa, con người giữa các nước.
Về quy hoạch cửa khẩu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, quy hoạch và phát triển cửa khẩu kinh tế là định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo được củng cố quốc phòng, an ninh đồng thời tạo cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.
Thời gian qua, hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về quy mô, tính chất và cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân giao lưu, thông thương hàng hóa. Trong gian đoạn mới, với định hướng nâng tầm quan hệ và nâng cấp quan hệ, làm sâu sắc hơn quan hệ với nước láng giềng thì việc nâng cấp cửa khẩu, mở rộng cửa khẩu… là nhiệm vụ rất quan trọng không chỉ của các cơ quan trung ương mà của cả các địa phương.
“Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan liên quan ở Trung ương, phối hợp với các địa phương để khảo sát, đánh giá, triển khai theo lộ trình từng cặp cửa khẩu mới, nâng cấp sang những loại hình mới như cửa khẩu thông minh. Do đó, phải phối hợp các bộ, ngành, đồng thời trao đổi với phía đối tác, nhất là 3 nước láng giềng để thống nhất triển khai”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thông tin.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, việc triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là trọng tâm. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động về triển khai công tác ngoại giao kinh tế, vùng phát triển. Các bộ, ngành, các địa phương cũng đã cụ thể hóa xây dựng kế hoạch riêng của mình về công tác ngoại giao kinh tế. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đã chủ trì, chỉ đạo 3 Hội nghị về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển.
“Trong thời gian đến, điều quan trọng nhất là khai thác được những tiềm năng hợp tác với các đối tác mà Việt Nam đã nâng tầm, nâng cấp quan hệ. Đồng thời là tạo ra những nguồn lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Tiếp tục làm tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, bảo hộ công dân
Liên quan đến chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thông tin, hoạt động đưa nông lâm thủy sản ra thế giới thời gian qua được triển khai rất hiệu quả. Bộ Ngoại giao cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết hợp tác quảng bá, xúc tiến sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thế giới. Hiện Bộ Ngoại giao cũng đang tham mưu giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ biết các chính sách mới về an toàn thực phẩm, chính sách về các sản phẩm liên quan đến gỗ và rừng, vấn đề gỡ thẻ vàng… Đồng thời, giao nhiệm vụ cho các đại sứ trực tiếp tham gia vào quá trình xuất khẩu những mặt hàng nông sản mới vào các thị trường xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn
Hiện nay, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan đại diện tiếp tục hỗ trợ các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư du lịch, quảng bá các sản phẩm thế mạnh vào khu vực Trung Đông, châu Phi, đặc biệt là khu vực vùng Vịnh. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh nhất là các sản phẩm đồ gỗ sang các thị trường Trung Đông, châu Phi; kêu gọi đầu tư của các quỹ đầu tư khu vực Trung Đông vào các lĩnh vực mà họ rất quan tâm. Thời gian đến, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tìm kiếm, giới thiệu các Đại sứ, doanh nghiệp, các nhà đầu tư khu vực Trung Đông tiềm năng.
Đối với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) về giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Halal, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Halal phải xây dựng được một hệ sinh thái của ngành công nghiệp Halal. Thời gian đến, Bộ sẽ tiếp tục lồng ghép những nội dung về hợp tác Halal giữa Việt Nam với các đối tác Hồi giáo trong các tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao.
Bên cạnh đó, thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện thể chế khuôn khổ pháp lý, chính sách nhà nước và pháp luật liên quan đến chứng nhận các sản phẩm Halal tại Việt Nam và hợp tác quốc tế về ngành Halal; xây dựng các bộ tiêu chuẩn thống nhất về ngành công nghiệp Halal; tăng cường xúc tiến, quảng bá các sản phẩm Halal để hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, các địa phương của ta với các thị trường Halal, cũng như âng cao nhận thức và thông tin tuyên truyền, quảng bá về đẩy mạnh giao lưu, tìm hiểu văn hóa.
Về chất vấn liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, tận dụng các thành quả và tăng cường hợp tác về vốn, khoa học công nghệ của các nước đi trước để chuyển đổi xanh. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tăng cường cung cấp thông tin cho các địa phương, doanh nghiệp về tiêu chuẩn mới, xu hướng mới, nhất là lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, tư vấn chính sách về các vấn đề địa phương quan tâm liên quan đến chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo; hỗ trợ các địa phương thiết lập và tăng cường mối quan hệ của các địa phương với các đối tác. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân giữa hai bên.
Trả lời chất vấn về vấn đề lừa đảo, cưỡng bức lao động được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, đây là tình trạng diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay, là vấn đề phức tạp. Bộ đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước. Thời gian đến, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật.
Cùng với đó, chủ động hợp tác với các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, thúc đẩy quá trình hợp tác lao động, di cư hợp pháp có tổ chức, ngăn chặn di cư bất hợp pháp. Đồng thời, tiếp tục triển khai các công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ triển khai đưa về nước, hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại để giải cứu công dân là nạn nhân của nạn buôn người, cưỡng bức lao động.
Về các biện pháp đảm bảo an ninh cho công dân ta tại các nước xảy ra xung đột, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thông tin, thời gian qua, Bộ đã phối hợp thực hiện các biện pháp để triển khai sơ tán ngay công dân về nơi an toàn khi có xung đột xảy ra. “Đến nay mọi việc được triển khai tốt. Công tác bảo hộ công dân của ta được tiến hành rất kịp thời. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào vào công tác dự báo tình hình, dự đoán nguy cơ xung đột giữa các nước hoặc xung đột nội bộ để kịp thời sơ tán công dân; tiếp tục thông tin cảnh báo cho các địa phương; phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.
NGÔ HUYỀN