Quan điểm về xã hội hoá dịch vụ công được hình thành từ Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ tư (khoá VII) và được chính thức đưa vào trong văn kiện Đại hội Đảng VIII “Các vấn đề chính sách xã hội đều giải quyết theo tinh thần xã hội hoá. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết các vấn đề xã hội”. Nghị quyết Đại hội Đảng IX tiếp tục khẳng định: “Các chính sách xã hội được tiến hành theo tinh thần xã hội hoá, đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội”… Như vậy, xã hội hoá chính là huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân và sự tham gia của mọi thành phần kinh tế vào việc giải quyết các vấn đề thuộc chính sách xã hội của Nhà nước, nhưng không làm giảm vai trò, trách nhiệm của nhà nước trong việc đảm bảo các dịch vụ công cơ bản cho người dân.
Về cơ bản, ai cũng có thể hiểu dịch vụ công bao gồm nhiều loại, từ dịch vụ vui chơi giải trí, y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo cho đến phúc lợi xã hội... Khi kinh tế và đời sống xã hội phát triển thì ngày càng có thêm nhiều loại hình mới về dịch vụ công với những phương thức cung cấp mới. Cùng với sự mở rộng của nền kinh tế thị trường, mức sống và lối sống của người dân ngày càng được nâng cao, phát sinh nhiều nhu cầu xã hội mới, nhất là sự khác biệt về nhu cầu giữa các đối tượng, thành phần và khu vực khác nhau (thành thị, nông thôn). Sự thay đổi như vậy luôn tạo nên áp lực về cho chính quyền (tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, ngân sách…), vượt quá khả năng cung ứng và quản lý của nhà nước. Do đó, xã hội hóa dịch vụ công là xu hướng tất yếu mà tất cả các thành phố đều phải phát huy trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị.
Thành phố Đà Nẵng sớm chú trọng thực hiện xã hội hóa dịch vụ công thông qua hình thức chuyển một phần hoạt động cung ứng dịch vụ công cho các tổ chức ngoài nhà nước, cụ thể như:
+ Ủy quyền cho các tổ chức xã hội hay các công ty tư nhân cung ứng một số dịch vụ mà nhà nước có trách nhiệm bảo đảm và thường có nguồn kinh phí từ ngân sách (vệ sinh môi trường, hệ thống cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải...),
+ Chuyển giao trách nhiệm cung ứng dịch vụ công cho một số tổ chức ngoài nhà nước có điều kiện thực hiện có hiệu quả (đào tạo, khám chữa bệnh, tư vấn…),
+ Tư nhân hóa một số dịch vụ công theo những tiêu chí về quyền lợi và trách nhiệm, đồng thời nhà nước vẫn giám sát và bảo đảm lợi ích công cộng (xe buýt có trợ giá, dịch vụ tắm biển, lễ hội pháo hoa quốc tế…)
+ Nhà nước đứng ra mua dịch vụ công của tư nhân (quản lý tòa nhà trung tâm hành chính tập trung, bảo dưỡng phương tiện tin học hay các công việc tạp vụ trong cơ quan nhà nước…).
Hiệu quả của chủ trương này chính là số người làm dịch vụ trong cơ quan nhà nước giảm đi rất nhiều, hiệu quả dịch vụ công ngày càng được nâng cao. Thực tế cho thấy, nếu thành phố tự mình làm tất cả dịch vụ công, bỏ qua việc huy động các nguồn lực khác cùng tham gia, thì không những gánh nặng về ngân sách ngày càng tăng lên, sử dụng kém hiệu quả mà còn nguy cơ dẫn đến một xã hội tụt hậu, kém phát triển. Tuy nhiên, thực tế công tác xã hội hoá các lĩnh vực nhà ở xã hội, cây xanh-cảnh quan đô thị, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hoá và thể dục thể thao chưa đảm bảo định hướng đã đề ra, kết quả đạt được còn ít và thiếu vững chắc so với tiềm năng. Tiến độ thực hiện chuyển đổi cơ sở công lập, bán công sang loại hình ngoài công lập hoặc doanh nghiệp còn chậm. Mức độ phát triển xã hội hoá không đồng đều giữa các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội như nhau. Công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện thiếu kiên quyết, sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành chưa chặt chẽ.
Để việc chủ trương xã hội hóa dịch vụ công được thực hiện hiệu quả hơn, đảm bảo chất lượng phục vụ và quyền lợi cho người dân, tôi xin đề xuất một số giải pháp Đà Nẵng cần tập trung chỉ đạo thực hiện, cụ thể như sau:
Trước hết, thành phố phân loại, phân kỳ theo từng giai đoạn, xác định rõ loại dịch vụ công nào nhà nước cần trực tiếp làm, loại nào ủy quyền cho tổ chức ngoài nhà nước và loại nào nhà nước cần phối hợp với các tổ chức để thực hiện. Nhìn chung, nhà nước chỉ trực tiếp cung ứng dịch vụ công nào mà khu vực ngoài nhà nước không thể làm thay hay không muốn làm.
Hai là, tăng cường cơ chế, chính sách cho khu vực tư nhân tiếp tục tham gia cung ứng khu vực công kém hiệu quả hiện nay như: nhà ở xã hội, xây dựng đường sá, xử lý chất thải rắn, cây xanh cảnh quan đô thị…; tiếp tục cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công trong khu vực nhà nước đảm bảo theo kịp với đà phát triển của khoa học và công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy cạnh tranh giữa khu vực công với khu vực tư trong cung ứng dịch vụ trong các lĩnh vực như: dịch vụ y tế, văn hóa, TDTT, giáo dục và đào tạo…
Ba là, khuyến khích việc chuyển đổi mô hình hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công lập sang hình thức tư thục, thành lập các cơ sở ngoài công lập, cổ phần hoá... Từng bước chuyển cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế cung ứng dịch vụ để khuyến khích các cơ sở thuộc mọi thành phần kinh tế cùng tham gia; tăng cường hợp tác quốc tế và tranh thủ mọi nguồn viện trợ để đầu tư cho dịch vụ hạ tầng xã hội và đổi mới khoa học, công nghệ
Cuối cùng, tăng cường hoạt động giám sát thông qua các cơ quan quản lý nhà nước, Hội đồng nhân dân các cấp và nhất là vai trò của người dân nhằm đảm bảo lợi ích cộng đồng, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức cung ứng dịch vụ công theo các quy định của pháp luật.
KTS. Tô Hùng