Như chúng ta đã biết, công nhân lao động có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là những người trực tiếp làm ra của cải vật chất và giá trị tinh thần, làm giàu cho xã hội. Với vai trò quan trọng đó của công nhân lao động, những năm qua, thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm, đồng hành, lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời cụ thể hóa, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Trung ương, Quốc hội; cùng với đó, thành phố cũng đã chủ động, kịp ban hành những cơ chế, chính sách và dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ, tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho đời sống của công nhân lao động trên địa bàn thành phố. Vừa qua, Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức Hội nghị “Tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân lao động” để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là công nhân lao động trên địa bàn thành phố nhân dịp tháng 5-Tháng Công nhân.
Từ thực tế cuộc sống còn nhiều khó khăn
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 72.000 lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó 45% là lao động ngoại tỉnh phải thuê nhà trọ, điều kiện sống rất khó khăn. Trong khi đó, một bộ phận người lao động, nhất là lao động phi chính thức chưa có việc làm bền vững; nhiều lao động bị mất việc, giảm giờ làm, nhất là trong 02 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ngoài ra, nhu cầu về nhà ở, về các cơ sở mầm non để gửi con và các thiết chế cơ bản của công nhân, người lao động còn rất lớn nhưng chưa được đáp ứng. Đây cũng chính là trăn trở của công nhân Hồ Phi Bình thuộc Công ty TNHH MTV Xi măng Đà Nẵng “Hiện nay, có hơn 50% lao động trong các khu công nghiệp đều ở nhà trọ, giá cả tăng nhanh, không có sự điều tiết của nhà nước. Ngoài ra, các phòng trọ tại dân cư hầu hết là xuống cấp, nhếch nhác. Được biết, thành phố đã có chủ trương cho hộ gia đình vay vốn để đầu tư, cải tạo phòng trọ cho người lao động thuê. Tuy nhiên, số vốn vay là khá nhỏ nên rất ít chủ phòng trọ tiếp cận gói vay vốn này. Để đảm bảo chỗ ở cho công nhân. Tôi kính đề nghị thành phố 2 nội dung: Một là có chính sách nhằm trợ giá cho chủ nhà trọ để giảm giá thuê phòng cho công nhân. Có chính sách phòng trọ như sản phẩm, hàng hòa phải được thực hiện bình ổn giá; Hai là có các gói chính sách cho vay ưu đãi để hộ gia đình vay vốn cải tạo phòng trọ, như có thể tăng mức vốn vay, giảm lãi suất, kéo dài thời gian vay, thủ tục đơn giản…”. Hay như công nhân Lê Thị Phước Lài - Trường MN Tiểu My cho rằng “Vấn đề về nhà trẻ, mẫu giáo trong khu công nghiệp luôn là vấn đề được quan tâm hiện nay. Tại địa bàn khu công nghiệp (KCN), lao động trẻ, nhập cư là khá cao. Kéo theo đó, nhu cầu về nhà trẻ, mẫu giáo là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng trường mầm non công lập trên địa bàn KCN là quá ít. Hầu hết người lao động phải gửi con ở các cơ sở mầm non, nhóm trẻ gia đình. Kính đề nghị thành phố quan tâm đầu tư các cơ sở mầm non công lập trong các khu công nghiệp hoặc có cơ chế ưu tiên dành quỹ đất cho việc xây dựng các trường mầm non ngoài công lập trong quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục của địa phương nhằm giải quyết nhu cầu gửi con của lao động làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn”. Và cả mối lo an toàn thực phẩm hằng ngày tại các chợ cóc, chợ tạm sau mỗi buổi tan ca của công nhân, như lời công nhân Nguyễn Thị Tưởng - Công ty TNHH Daiwa Việt Nam- Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp “Sau giờ làm việc, người lao động thường mua thực phẩm ở chợ cóc, vỉa hè, do đó mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm không đảm bảo. Hiện nay, vẫn có nhiều siêu thị trên các tuyến đường trên địa bàn thành phố nhưng với mức thu nhập của mình, thời gian làm việc theo ca kíp thì việc lựa chọn mua thực phẩm ở chợ cóc, vỉa hè vẫn là ưu tiên hàng đầu của người lao động. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe. Kính đề nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi bán ra cho người tiêu dùng. Ngoài ra, có phương án đầu tư các điểm bán hàng bình ổn giá cho người lao động mua sắm, tiêu dùng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”. Ngoài ra, tại buổi tiếp xúc, nhiều công nhân lao động cũng đã tham gia ý kiến về vấn đề chuyển đổi ngành nghề; việc mở rộng đối tượng được vào ở tại Nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm vấn đề bảo hiểm xã hội, vấn đề về gói vay chính sách, Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm Xã hội…
Cho đến những giải pháp hành động cụ thể
Có thể nói, những khó khăn từ thực tế của đời sống công nhân lao động đều được các cấp, ngành giải trình cụ thể tại buổi tiếp xúc. Cũng như, 120 suất quà của các cấp lãnh đạo đã được trao tận tay công nhân lao động nhằm động viên, chia sẻ phần nào khó khăn. Song, về lâu dài, để tiếp tục đồng hành, tiếp sức, tháo gỡ những khó khăn từ thực tế cuộc sống của công nhân lao động, cần nhiều những giải pháp cụ thể.
Trước hết, cần rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố, cơ chế, chính sách của thành phố liên quan, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, trình HĐND thành phố xem xét, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động trên địa bàn thành phố. Thường xuyên khảo sát, nắm bắt kịp thời thực trạng đời sống, nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người lao động. Tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, nhất là công nhân trẻ, công nhân nữ nhằm phát triển về số lượng, đảm bảo chất lượng.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cụ thể về đầu tư thiết chế văn hóa cho người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nhà ở tập trung đông công nhân. Tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, các buổi sinh hoạt; tạo ra nhiều sân chơi mới cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp, nhất là tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Quan tâm chăm lo hơn nữa đến đời sống văn hóa, tinh thần của giai cấp công nhân.
Vấn đề xây dựng, phát triển nhà ở xã hội cần được chú trọng đầu tư trong thời gian đến. Tăng cường thu hút đầu tư, phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân tích hợp vào chương trình phát triển nhà ở của thành phố. Phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các vướng mắc, bất cập nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác, sử dụng Nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm. Đồng thời, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật lao động; chú trọng giám sát và đề xuất các cấp, các ngành có liên quan xử lý các trường hợp vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, các trường hợp vi phạm về vệ sinh lao động, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp…
Công đoàn thành phố tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tập hợp lực lượng, tuyên truyền để củng cố sức mạnh của giai cấp công nhân; để các đoàn viên nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan và chủ động cùng với công đoàn các cấp tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Không ngừng khơi dậy trong đoàn viên, người lao động tinh thần đổi mới sáng tạo, khát khao cống hiến, tự hào khi được đóng góp trí tuệ, nhiệt huyết của mình cho sự phát triển của thành phố. Nhất là, thường xuyên quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên.
Hơn nữa, lãnh đạo thành phố tiếp tục đề nghị các cấp có thẩm quyền từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các chính sách đã ban hành được triển khai hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Đồng thời, luôn quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện để chăm lo, xây dựng dựng lực lượng công nhân, người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới.