Sự phát triển của các làng nghề trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn nhất là hệ thống giao thông, từng bước thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn. Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống đã thu hút được nguồn lực trong Nhân dân, hình thành đội ngũ những người thợ có tay nghề giỏi, tâm huyết với nghề, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc, quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng thông qua các sản phẩm, hàng hoá đa dạng. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống tích hợp văn hóa đa giá trị, gắn với phát triển du lịch cần có những hướng đi bền vững, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội; nhất là sự đồng lòng, quyết tâm cao của người dân, nghệ nhân làng nghề.

Làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước trên địa bàn phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn
Hiện trạng các làng nghề trên địa bàn thành phố
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 10 làng nghề, trong đó, có 06 làng nghề chế biến bảo quản nông lâm thủy sản (Làng nghề nước mắm Nam Ô thuộc quận Liên Chiểu; bánh tráng Túy Loan, rượu cần Phú Túc thuộc huyện Hòa Vang; giá đỗ Nghi An, khô mè Cẩm Lệ thuộc quận Cẩm Lệ; nem tré thuộc quận Hải Châu); 01 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (đá mỹ nghệ Non Nước thuộc quận Ngũ Hành Sơn); 01 làng nghề xử lý, chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn (đá chẻ Hòa Sơn thuộc huyện Hòa Vang); 02 làng nghề sản xuất mây tre đan, đan lát (chiếu Cẩm Nê thuộc huyện Hòa Vang; mây tre An Khê thuộc quận Thanh Khê). Trong số các nghề trên địa bàn thành phố, đã có 03 nghề là di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước quận Ngũ Hành Sơn, nghề làm nước mắm Nam Ô, Nghề làm bánh tráng Túy Loan.
Trong số các nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố, Làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước và Làng nghề nước mắm Nam Ô có quy mô lớn, đóng góp nhiều trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với Làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước với hơn 380 cơ sở đang hoạt động tại làng nghề và doanh thu hàng năm đạt khoảng 370 - 380 tỷ đồng. Làng nghề nước mắm Nam Ô có 03 Hợp tác xã với 10 cơ sở chế biến nước mắm có quy mô tương đối, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, các hộ còn lại làm theo mùa vụ; sản lượng nước mắm tiêu thụ hàng năm đạt từ 200.000 - 250.000 lít với tổng doanh thu trên 17 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động trên địa bàn.
Cơ sở sản phẩm nước mắm thủ công “Hương Làng Cổ” thuộc làng nghề nước mắm Nam Ô trên địa bàn phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu
Phát huy giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống phục vụ du lịch
Trong thời gian qua, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa của làng nghề như: Hoạt động trải nghiệm quy trình thực hành di sản, quảng bá sản phẩm, khen thưởng các nghệ nhân, người thực hành nghề thủ công truyền thống tại Ngày hội di sản văn hóa, lễ hội đình làng hằng năm; khảo sát, tư vấn phát triển du lịch, quảng bá các sản phẩm OCOP địa phương gắn với các làng nghề truyền thống, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP đến với du khách thông qua các khách sạn, khu, điểm du lịch, cơ sở mua sắm đặc sản... Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, các làng nghề truyền thống đã hình thành các sản phẩm du lịch, điểm tham quan, phục vụ du khách trong nước và quốc tế, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống chưa hiệu quả; các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghề truyền thống chưa thật sự tạo động lực thúc đẩy kinh tế du lịch của thành phố. Các cơ sở nghề, làng nghề chủ yếu có quy mô nhỏ, phân tán và manh mún; thiết bị và công nghệ còn lạc hậu, năng suất lao động thấp, chất lượng và mẫu mã của sản phẩm chưa đáp ứng thị hiếu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng; thiếu đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn về văn hóa bản địa, văn hóa làng nghề để phục vụ du khách. Các làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn gặp khó khăn trong việc thu hút lao động, nhất là lao động có tay nghề cao và các nghệ nhân; lực lượng lao động có kỹ thuật nghề chủ yếu là tự học qua thực tế, ít được đào tạo bài bản. Chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ, đãi ngộ cho các nghệ nhân, thợ giỏi tương xứng với những giá trị tác phẩm và chưa thực sự khuyến khích tinh thần giữ nghề và truyền nghề của các nghệ nhân, thợ giỏi. Hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống tuy bước đầu đạt được kết quả song chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của thành phố, một số nghề truyền thống hiện nay còn rất ít gia đình duy trì, đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ mai một đang hiện rõ, nhất là làng nghề Chiếu Cẩm Nê.
Phát triển bền vững làng nghề
Để công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố, trong thời gian đến, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan, Mặt trận - các đoàn thể và địa phương, phát huy hơn nữa vai trò của các Hiệp hội ngành nghề, Trung tâm Xúc tiến du lịch, Xúc tiến thương mại, Bảo tàng… tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, kích cầu, tiêu thụ sản phẩm và lưu giữ, trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống giá trị. Cần có chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống, nhất là các chính sách hỗ trợ duy trì hoạt động đối với nghệ nhân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại làng nghề trong công tác tiếp thị, thiết kế mẫu mã sản phẩm, tìm kiếm đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, phục vụ du lịch cộng đồng cho người dân tham gia hoạt động sản xuất tại các làng nghề; kết nối các đơn vị kinh doanh du lịch xây dựng các chương trình du lịch độc đáo, đặc sắc về văn hoá trên cơ sở các điểm đã hoàn chỉnh về dịch vụ phục vụ khách. Sớm sát các điểm đến mới để giới thiệu cho du khách nhằm tạo sinh kế cho người dân sản xuất tại làng nghề, bảo đảm làng nghề phát triển bền vững.
Bảo tàng tư nhân “Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước” trên địa bàn Ngũ Hành Sơn góp phần giữ gìn, giới thiệu về làng nghề điêu khắc đá Non Nước qua từng giai đoạn.
Tổ chức các cuộc thi, triển lãm, hội nghị điển hình để biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các sản phẩm làng nghề, các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các làng nghề truyền thống. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề; nhất là, chú trọng phát triển hài hòa các cơ sở ngành nghề quy mô vừa và nhỏ, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong các làng nghề, kết hợp công nghệ hiện đại với công nghệ truyền thống để phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Thành Luân