Đà Nẵng
ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM VỀ THIẾT CHẾ VĂN HÓA THỂ THAO CƠ SỞ
Đăng ngày 13/06/2018 16:44
In bài  
Cùng với sự phát triển năng động của thành phố, đời sống tiện ích của người dân mỗi ngày càng được nâng cao. Song hành với đó, đời sống tinh thần luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người dân. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng nên đời sống tinh thần đó chính là các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

     Thực trạng thiết chế văn hóa thể thao cơ sở

     Thành phố đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hệ thống này bao gồm các Trung tâm văn hóa thể thao cấp thành phố, quận, huyện, xã, phường; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ công nhân viên chức, người lao động. Và việc quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa thể thao cho tất cả các quận, huyện cũng đã được phê duyệt. Trên cơ sở đó, các địa phương chủ động triển khai xây dựng kế hoạch chi tiết, tiến hành đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở để đảm bảo đến năm 2020, thành phố Đà Nẵng có 80% xã, phường có Trung tâm văn hóa thể thao và 20 % xã, phường còn lại có thiết chế Trung tâm Văn hóa theo lộ trình. Tuy nhiên việc đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là cả một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành cùng với những đóng góp xây dựng của người dân.

     Đối với thiết chế văn hóa thể thao cấp thành phố, hiện nay công trình  Cung văn hóa thiếu nhi Đà Nẵng đã được đầu tư xây dựng và đi vào sử dụng tạo nên sân chơi bổ ích cho thiếu nhi của thành phố, đặc biệt vào các dịp hè. Nhà văn hóa lao động được thiết kế xây dựng cũng rất khang trang, hiện đại và rộng rãi đáp ứng đầy đủ điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể dục, thể thao cho cán bộ, công chức, viên chức - lao động trên địa bàn thành phố. Riêng câu chuyện về Trung tâm văn hóa thành phố vẫn đang tiếp tục được thành phố quan tâm và xúc tiến xây dựng trong thời gian đến. Về thiết chế văn hóa thể thao cấp quận, huyện, thành phố đang hướng đến mục tiêu năm 2020 có 100% Trung tâm Văn hóa thể thao quận, huyện được đầu tư hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn của Bộ. Hiện nay, 7/7 Trung tâm văn hóa thể thao quận, huyện đã hoàn thành xong phần quy hoạch và bố trí đất để xây dựng công trình và đang được tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất. Về thiết chế văn hóa thể thao cấp xã, phường, đến năm 2020 là 100% Nhà văn hóa - khu thể thao thôn được nâng cấp, hoàn thiện theo tiêu chuẩn của Bộ; 80% xã, phường có thiết chế Trung tâm Văn hóa - Thể thao, 20% các xã, phường còn lại có Nhà văn hóa; định hướng đến 2030: Thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng thuộc ngành Văn hóa và Thể thao quản lý đạt tỷ lệ 100% ở các cấp hành chính.

     Công tác quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa thể thao xã, phường đã được thành phố phê duyệt và các quận, huyện đang triển khai đầu tư theo tiến độ yêu cầu với những con số cụ thể: thành phố có 28/56 Trung tâm văn hóa, Nhà văn hóa xã, phường được đầu tư; giai đoạn 2017 - 2020, đầu tư xây dựng 02 Nhà thiếu nhi cấp quận, huyện; đến năm 2020 đầu tư xây dựng Nhà văn hóa lao động tại quận Liên Chiểu; đến năm 2030, đầu tư xây dựng Nhà văn hóa lao động tại quận Sơn Trà; mặc dù thành phố có 06 Khu công nghiệp tập trung nhưng chỉ mới có 01 thiết chế văn hóa - thể thao dành cho công nhân là Trung tâm Văn hóa - Thể thao công nhân tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh và hướng đến năm 2020 quy hoạch và đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao tại Khu công nghiệp Hòa Cầm và Trung tâm Văn hóa - Thể thao tại Khu Công nghiệp Liên Chiểu. Nhìn chung, thực trạng thành phố với hệ thống thiết chế văn hóa thể thao các cấp hiện nay vẫn còn khá nhiều những ngổn ngang.

     Suy ngẫm về một số giải pháp

     Chúng ta luôn có những quyết tâm nỗ lực trong việc hướng đến mục tiêu hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa đời sống tinh thần của người dân. Thiết nghĩ nên chăng chúng ta cần có có thêm một lộ trình cụ thể trong việc thực hiện công tác này, đó là:

     Trước hết, cần rà soát, thống kê nhu cầu thiết thực của người dân để hoàn thiện cơ sở vật chất và xây dựng chương trình hoạt động tại các thiết chế văn hóa cơ sở xã, phường. Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng “nơi thừa, nơi thiếu” tạo sự mất cân bằng trong việc bố trí dàn trải các cơ sở sinh hoạt, giải trí cho người dân.

     Tiếp đến là có giải pháp đổi mới cơ chế quản lý cũng như cơ chế hoạt động của các thiết chế văn hóa thể thao nhằm thu hút người dân tham gia sinh hoạt. Hướng đến việc mở rộng mô hình kêu gọi xã hội hóa nhằm tăng cường sự đóng góp, đầu tư của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Có như vậy mới phát huy hiệu quả được vai trò của thiết chế văn hóa cũng như tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng.

     Mặc khác, chúng ta cần có đội ngũ quản lý có chuyên môn về công tác này hoạt động từ cơ sở xã, phường cho đến quận, huyện. Đây chính là đội ngũ “gần dân, sát dân, tường tận dân”, nắm bắt được nhu cầu thực tế của người dân để vừa phục vụ nhu cầu tinh thần vừa phát huy tinh thần tham gia của người dân. Việc vận động, tuyên truyền để người dân cùng hưởng ứng tham gia cũng không kém phần quan trọng. Để từ đó, thiết chế văn hóa thể thao cơ sở thực sự được phát huy vai trò và là yếu tố cơ bản, quyết định tạo nên đời sống ngày càng phong phú cho người dân thành phố.