
Hình ảnh: Du khách tham quan Chùa Linh Ứng.
Như chúng ta đã biết, di tích lịch sử - văn hóa là di sản văn hoá, là kho tàng văn hoá dân tộc có giá trị to lớn trong đời sống xã hội hiện đại. Mặc dù trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình toàn cầu hoá là một xu thế tất yếu nhưng với giá trị văn hoá vẫn luôn là một hoạt động không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Di tích và du lịch có mối quan hệ biện chứng với nhau, tác động qua lại thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Có thể khẳng định rằng, di tích lịch sử - văn hóa luôn là thế mạnh lâu dài của ngành du lịch. Du lịch văn hóa được phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa của địa phương, vùng miền, và, dựa vào văn hóa để phát triển là mục tiêu chiến lược nhằm hướng tới sự bền vững.
Thực trạng di tích văn hóa hiện nay
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 88 di tích đã được xếp hạng, bao gồm 02 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia và 69 di tích cấp thành phố. Các di tích trên địa bàn thành phố mang nhiều loại hình khác nhau như: Danh thắng, thành cổ, đình, miếu, lăng mộ, nhà thờ tộc, nhà thờ nghề cá, văn chỉ, chứng tích tội ác đế quốc, khu căn cứ cách mạng, di chỉ khảo cổ... Đa số những di tích này đã được tu sửa hoặc khởi dựng vào cuối thời kỳ nhà Nguyễn. Trong đó, đình làng chiếm tỷ lệ lớn nhất (46/88 di tích đã được xếp hạng), đây là những thiết chế văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng,… thể hiện những giá trị tiêu biểu cho phong cách kiến trúc đặc trưng của địa phương hoặc cho một hoặc nhiều giai đoạn kiến trúc nghệ thuật, liên kết với nhiều sự kiện lịch sử cách mạng.
Thành phố đã ban hành Đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái là sản phẩm du lịch đặc trưng và du lịch cộng đồng, nông nghiệp và nông thôn là sản phẩm du lịch chính nhằm tạo sự khác biệt, lợi thế cạnh tranh cho du lịch Đà Nẵng. Với định hướng phát triển kinh tế du lịch trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa nên những năm qua, thành phố đã quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn, phát huy nét văn hóa đặc trưng, truyền thống địa phương, đồng thời khai thác tốt các giá trị văn hóa để phục vụ du lịch. Công tác trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, phát huy giá trị các di tích, công trình văn hóa, lịch sử bước đầu đã được quan tâm đầu tư triển khai.
Thời gian qua, các di tích lịch sử - văn hóa đã được thành phố quan tâm đầu tư, nâng cấp đưa vào phục vụ phát triển du lịch, nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã trở thành các điểm tham quan, du lịch nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố, nổi bật như: Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn; một số điểm di tích văn hóa, lịch sử như bán đảo Sơn Trà, chùa Linh Ứng, đỉnh Bàn Cờ; Bảo tàng Điêu khắc Chăm; di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải; các Bảo tàng Mỹ Thuật, Đồng Đình, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã thu hút khá đông người dân và du khách tham quan. Việc hình thành các tuyến du lịch đường thủy nội địa tạo sản phẩm mới, phát huy giá trị các di tích lịch sử, các nghề truyền thống dọc theo các tuyến sông đã được nghiên cứu gắn kết vào các chương trình du lịch, hình thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách như: Tuyến Sông Hàn - Khu căn cứ cách mạng K20, Chương trình du lịch đường thủy nội địa “Thưởng ngoạn sông Hàn về đêm” gắn kết giá trị kiến trúc văn hóa của những cây cầu bắc qua Sông Hàn là điểm nhấn nổi bật trong dự án tạo sản phẩm du lịch về đêm “Dòng sông ánh sáng”, Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo…;
Việc quảng bá các chương trình nghệ thuật truyền thống, giới thiệu cho du khách quốc tế về bản sắc văn hóa dân tộc đã được lồng ghép vào các chương trình nghệ thuật văn hóa như: Show diễn Tuồng (Trầm tích sông Hàn, Hồn Việt), Show diễn Charming Đà Nẵng, Áo dài show, múa Chăm, hô hát Bài Chòi, Tuồng đã được đưa vào phục vụ du khách thường xuyên (múa Chăm trên tàu du lịch, biểu diễn hô hát Bài Chòi và Tuồng xuống phố tại tuyến đường Trần Hưng Đạo), chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc phục vụ du khách tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng đã được du khách đánh giá cao. Thành phố cũng đã chỉ đạo triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong việc quảng bá giới thiệu các di tích văn hóa - lịch sử đến với người dân và du khách, phát triển ứng dụng “Một chạm đến Đà Nẵng” với tính năng scan 3D tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, không gian động Huyền Không - Ngũ Hành Sơn, thu thập dữ liệu hình ảnh trên không và dưới đất tại các điểm tham quan trên địa bàn thành phố (hơn 500 điểm quét tại các bãi biển, danh thắng Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà...), cảnh quan hai bên bờ sông Hàn và các cây cầu, du lịch sinh thái và cộng đồng, lễ hội, sự kiện, video định dạng 360...
Hình ảnh: Du khách tham quan Chùa Linh Ứng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, việc bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa trên địa bàn thành phố vẫn chưa được triển khai đồng đều giữa các cấp và không tương xứng với tiềm năng có sẵn. Các hoạt động quảng bá vẫn còn hạn chế và chưa đủ sáng tạo do đó hiệu quả mang lại chưa cao. Các thách thức từ tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng đến nhiều di tích. Việc gắn kết các di tích với các loại hình du lịch khác như du lịch cộng đồng, sinh thái, ẩm thực, giáo dục... để tạo thành tour, tuyến chưa chặt chẽ; thiếu cơ sở hạ tầng, các dịch vụ bổ trợ, sản phẩm lưu niệm đặc trưng để phục vụ du khách…
Tập trung một số giải pháp trong thời gian đến
Trước hết, cần sớm hoàn thiện Bản đồ số di sản văn hóa với hình thức 2D, 3D và số hóa toàn bộ các di sản văn hóa đã được kiểm kê, để bổ sung vào ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa thành phố. Triển khai cập nhật dữ liệu di sản văn hóa trên nền tảng quản lý, khai thác tài nguyên số ngành Văn hóa và Thể thao (giai đoạn 1) để phục vụ hoạt động chuyên môn của đơn vị.
Tiếp tục, tăng cường hướng dẫn các đơn vị chủ quản, đơn vị lữ hành trong công tác quảng bá, xây dựng bài thuyết minh về các điểm đến độc đáo, cuốn hút nhằm tạo sức hút đối với du khách. Tập trung đầu tư thí điểm 1-2 mô hình lễ hội đặc sắc, công phu, để đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình. Tăng cường công tác phối hợp quảng bá, đầu tư bài bản các lễ hội có quy mô lớn, như: Lễ hội Đình làng Hải Châu, Lễ hội Đình làng Túy Loan, Lễ hội Quán Thế âm, các lễ hội cầu ngư... đến du khách trong và ngoài nước.
Thành phố cần khẩn trương xây dựng đề án tổng thể về trùng tu, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch nhằm khắc phục tình trạng chỉ tập trung trùng tu, bảo tồn di tích và chưa quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng phục vụ phát triển du lịch (nhà đỗ xe, quầy hàng lưu niệm, các hoạt động phụ trợ kèm theo...). Có hướng dẫn cụ thể đối với các nội dung: Thành lập các tổ chức bảo vệ di tích; cơ chế, chính sách tài chính cho các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa; du lịch di sản bền vững gắn với cộng đồng…Có phương án bảo tồn các Nhà cổ trên địa bàn thành phố.
Tiếp tục nghiên cứu, sớm đề xuất xây dựng, trình HĐND thành phố ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nghệ nhân, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật; chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa các hoạt động trong các lĩnh vực lễ hội và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; chế độ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý di sản văn hóa các cấp…Đồng thời, chỉ đạo thanh tra chuyên ngành tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực thi các văn bản chỉ đạo, các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các sai phạm. Cần có chế tài xử phạt phù hợp, nghiêm khắc, đủ sức răn đe để hạn chế tái phạm.
Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích các địa phương làm tốt công tác vận động xã hội hóa, huy động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn và Nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí, tham gia quản lý, xây dựng và khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử ở địa phương, trên cơ sở phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư và các đoàn thể ở thôn, tổ dân phố cùng bảo vệ giữ gìn.
Có thể nói, việc phát triển du lịch văn hóa ở địa phương góp phần phục hồi và bảo tồn di sản, mang lại lợi ích kinh tế không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng sống tại các khu di sản hoặc xung quanh khu di sản; đồng thời tăng cường đối thoại trao đổi giữa các nền văn hóa, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương có những hiểu biết về di sản đó. Đây là tiềm năng, là lợi thế rất cần sự quan tâm, đầu tư và phát triển của thành phố trong thời gian đến.
Thảo Linh