Đà Nẵng
Nâng cao hơn nữa công tác giáo dục nghề nghiệp hiện nay
Đăng ngày 16/12/2024 15:17
In bài  

Có thể nói, công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một trong những vấn đề quan trọng, bức thiết luôn được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện. Việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm được coi là một trong những giải pháp trọng tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, đây cũng là giải pháp tạo việc làm bền vững cho người lao động, thúc đẩy kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn thành phố hiện nay.

 

Một mô hình dạy nghề ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Từ thực trạng hiện nay

Với mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay trên địa bàn thành phố có 61 cơ sở GDNN, trong đó: 17 trường cao đẳng, 06 trường trung cấp, 12 trung tâm GDNN và 26 cơ sở hoạt động GDNN. Cơ sở GDNN do địa phương quản lý là 54 cơ sở, chiếm 88,52%; các Bộ, ngành Trung ương quản lý là 07 cơ sở, chiếm 11,48%; 10 cơ sở GDNN công lập chiếm 16,39%, 48 cơ sở tư thục chiếm 78,69%; 01 cơ sở 100% vốn đầu tư nước ngoài chiếm 1,64% và 02 cơ sở thuộc doanh nghiệp nhà nước, chiếm 3,28%. Quy mô tuyển sinh của các cơ sở GDNN là 47.083 học sinh, sinh viên (HSSV)/năm với 288 ngành, nghề đào tạo ở các cấp trình độ đào tạo khác nhau; trong đó, quy mô trình độ cao đẳng là: 11.728 sinh viên của 94 ngành, nghề; quy mô trình độ trung cấp là: 8.316 học viên của 87 ngành, nghề; quy mô trình độ sơ cấp là: 27.039 học viên của 147 ngành, nghề. Về công tác tuyển sinh, từ năm 2022 - 2023, các cơ sở GDNN và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tuyển mới 65.141 HSSV, trong đó: trình độ cao đẳng 12.000 sinh viên, chiếm 18,42%; trình độ trung cấp 6.761 học viên, chiếm 10,38%; sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng 46.380 học viên, chiếm 71,20%.
Từ năm 2022 đến nay, thành phố triển khai các giải pháp phục hồi nhanh kinh tế xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, qua đó tạo việc làm cho người lao động. Cuối năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế là 627.055 người, số lao động tạo việc làm tăng thêm là 92.626 người; cơ cấu lao động: Khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 30,29%, khu vực dịch vụ là 64,95% và khu vực nông - lâm- ngư nghiệp chiếm 4,76%. Dự kiến đến cuối năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế là 661.500 người (tăng 5,5% so với năm 2022), số lao động tạo việc làm tăng thêm là 34.445 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 71,50%.

Các cơ sở GDNN được rà soát nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo được các cơ sở GDNN được đầu tư nâng cấp, mở rộng, cùng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN dần đáp ứng yêu cầu về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng, đạt chuẩn theo quy định để giảng dạy. Kết quả đào tạo nghề đã đóng góp tích cực cho mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển lực lượng lao động có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 65% (năm 2022), tăng dự kiến lên 71,5% cuối năm 2024.

Thành phố đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của thành phố; nhất là triển khai Nghị quyết số 50/2024/NQ-HĐND ngày 30/7/2024 của HĐND thành phố về hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học sinh tại các cơ sở GDNN năm học 2024 - 2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết số 103/2023/NQ-HĐND, UBND thành phố ban hành Quyết định số 501/QĐ-UBND ngày 14/3/2024 phê duyệt Danh mục nghề và mức hỗ trợ học nghề đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội. Đồng thời, triển khai hiệu quả một số chính sách của Trung ương như: Hỗ trợ học nghề đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội trên địa bàn thành phố; chính sách miễn học phí cho người tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) học tiếp lên trình độ trung cấp; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an trên địa bàn thành phố. Đồng thời, chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về học nghề; giúp các em học sinh có những thông tin cần thiết về quy mô đào tạo, ngành nghề đào tạo và chính sách về GDNN của các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố để định hướng chọn trường, chọn ngành nghề đào tạo phù hợp với năng lực bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy công tác giáo dục nghề nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn nhất định. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm thành phố, gây khó khăn cho con em ở khu vực xa trung tâm đi học nghề. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo tại các cơ sở GDNN chưa cân đối, chưa phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. Một số ngành, nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu thị trường lao động; các nghề phục vụ cho sự phát triển của vùng, ngành kinh tế trọng điểm của thành phố, ngành nghề kỹ thuật công nghệ cao phục vụ cho yêu cầu phát triển của thành phố chưa được đầu tư đúng mức; đào tạo lao động trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tỷ trọng thấp trong tổng số lao động được đào tạo. Sự gắn kết giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chưa bền vững. Nhiều doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông và tự đào tạo kỹ năng theo yêu cầu vị trí công việc. Công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn GDNN chưa tác động trực tiếp đến người dân để tạo chuyển biến về nhận thức và hiểu đúng tầm quan trọng của việc đào tạo trong GDNN; tỷ lệ phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học nghề còn hạn chế vì tư tưởng của người dân và học sinh luôn coi trọng bằng cấp, không muốn đi học nghề...

Mô hình học nghề pha chế tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng

Hướng đến một số giải pháp căn cơ

Để công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng hiệu quả, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành. Trước hết, cần rà soát có ý kiến để sửa đổi, bổ sung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các chính sách hỗ trợ công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm địa phương đã ban hành; tiếp tục có chính sách hỗ trợ học phí phù hợp cho học sinh, sinh viên thường trú tại địa phương tham gia học giáo dục nghề nghiệp; chính sách đặc thù của địa phương đối với nhóm đối tượng lao động yếu thế, dễ bị tổn thương; lao động nông thôn, thanh niên xuất ngũ, thanh niên hoàn lương.

Tiếp theo, cần thực hiện công tác quy hoạch, dự báo nguồn nhân lực, thị trường lao động để xác định mục tiêu đào tạo từng giai đoạn, bố trí nguồn lực tương ứng để hoàn thành mục tiêu. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đảm bảo đầy đủ, chất lượng; cán bộ quản lý và giáo viên cơ hữu phải được tăng cường về chất lượng và đủ về số lượng, chương trình, giáo trình phải được bổ sung, sửa đổi kịp thời phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động, tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN; đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp GDNN trên địa bàn; rà soát, dự kiến quy hoạch quỹ đất để bố trí đối với các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố đến năm 2030; hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo trong GDNN, đào tạo nhân lực có tay nghề cao; mở rộng các cơ sở GDNN về khu vực vùng ven trung tâm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân học nghề. Cần có sự gắn kết đào tạo với sử dụng lao động, giữa các cơ sở GDNN, giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác, liên kết, phối hợp giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp trong các hoạt động GDNN: Xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tổ chức đào tạo; giải quyết việc làm sau đào tạo; học sinh sinh viên thực tập, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động. Hợp tác, phối hợp giữa các cơ sở GDNN trong việc chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động GDNN, giáo viên, chương trình, ngành nghề đào tạo, trang thiết bị đào tạo để đa dạng ngành nghề đào tạo và nâng chất lượng đào tạo. 

Trong xu thế hội nhập hiện nay, chú trọng hơn nữa công tác đẩy mạnh hợp tác quốc tế về GDNN; các cơ sở GDNN đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo nước ngoài để trao đổi giáo viên, học sinh, sinh viên; nâng cao tính chủ động, tự chủ của các cơ sở GDNN, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước. Triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy việc đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, nhằm góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo cho người dân nói chung và người lao động nói riêng. Phát huy hiệu quả của việc đưa người lao động đi làm việc ngắn hạn tại nước ngoài của huyện Hòa Vang, đồng thời nhân rộng mô hình đưa lao động đi làm việc tại các quận còn lại trên địa bàn thành phố. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành đối với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động. Chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp để nâng cao nhận thức đúng đắn của người dân về công tác này, góp phần thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố.

Nghi Thảo