Đà Nẵng
Nâng cao hiệu quả khai thác các Trung tâm văn hóa thể thao trên địa bàn thành phố
Đăng ngày 05/08/2024 09:26
In bài  

Có thể nói, thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã rất quan tâm, tăng cường đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất cũng như đổi mới, đa dạng các hình thức hoạt động của các trung tâm văn hóa thể thao quận, huyện, phường, xã. Việc không ngừng phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần phục vụ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân vẫn luôn là một trong những nhiệm vụ cần nhiều giải pháp trong thời gian đến.
Từ thực trạng hiện nay

Hình ảnh: Nhà văn hóa quận Sơn Trà

Hiện nay, trên địa bàn thành phố nhiều thiết chế văn hóa thể thao quan trọng của thành phố đã được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng. Một số thiết chế văn hóa thể thao phát huy được hiệu quả, là địa điểm tập trung sinh hoạt văn hoá, tập luyện thể thao, vui chơi của người dân địa phương, cụ thể như: Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố, Thư viện khoa học tổng hợp thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Chăm, Nhà Trưng bày Hoàng Sa, Khu Liên hợp thể thao Hòa Xuân, các di tích lịch sử như Thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng…Riêng quỹ đất dành cho lĩnh vực văn hóa, thể thao năm 2020 tăng mạnh so với năm 2015, cụ thể: Đất văn hóa từ 28,3ha tăng lên 213,55ha (tăng 185,25ha); đất thể thao từ 212,65ha tăng lên 285,11ha (tăng 72,46ha). Trong giai đoạn 2018 - 2023, thành phố đã quan tâm chỉ đạo xây dựng và ban hành Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở… Theo Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023 về Quyết định phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch phân khu, chỉ tiêu sử dụng đất cho văn hóa, thể thao được chú trọng.

Đối với hệ thống thiết chế văn hóa cấp quận/huyện, phường/xã, thôn/tổ dân phố: Có 07/08 quận, huyện đã được đầu tư trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao; có 33/56 phường, xã có trung tâm văn hóa thể thao cơ bản hoàn chỉnh, đạt 58,9%; 119 nhà văn hóa - khu thể thao thôn/113 thôn. Các trung tâm văn hóa thể thao quận, huyện đã triển khai tổ chức tốt các hoạt động nghiệp vụ và hoạt động tại chỗ theo quy định. Hoạt động của các trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao quận, huyện đang từng bước được mở rộng, đa dạng, định kỳ tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Ở cấp xã, phường, một số trung tâm văn hóa thể thao bước đầu hoạt động tốt, nhất là các khu thể thao, thu hút được người dân đến sinh hoạt, vui chơi, giải trí. Hàng năm, mỗi trung tâm văn hóa thể thao tổ chức bình quân từ 65 đến 110 hoạt động theo đợt và các hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiều nhất là hoạt động tuyên truyền phục vụ chính trị, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao…, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao của Nhân dân địa phương. Hầu hết các trung tâm văn hóa thể thao quận, huyện đã tổ chức tốt và vượt mức quy định về số hoạt động thi đấu thể dục thể thao. 

Hình ảnh: Hoạt động hội thao tại Trung tâm văn hóa thể thao huyện Hòa Vang

Tuy nhiên, thực tế hiện nay công tác quy hoạch, bố trí đất cho các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao tuy được quan tâm rà soát, bổ sung nhưng còn nhiều bất cập, chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Diện tích đất dành cho văn hóa, thể thao tuy có tăng so với thời điểm năm 2015, nhưng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn của quốc gia phân bổ. Việc lập quy hoạch một số thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa dựa vào quy mô dân số, phân khu vực phục vụ nên việc tính toán quy mô sử dụng đất chưa đảm bảo. Đối với các trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao quận, huyện, mục tiêu 100% các Trung tâm được đầu tư và hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các Trung tâm VHTT các quận, huyện đều chưa được đầu tư hoàn thiện. Đối với thiết chế văn hóa - thể thao phường, xã, mục tiêu đầu tư xây dựng: 80% phường, xã có thiết chế trung tâm văn hóa - thể thao; 20% các phường, xã còn lại có Nhà văn hóa, nhưng kết quả đến nay chỉ có 33/56 TTVHTT  phường, xã cơ bản đủ thành phần chính gồm nhà văn hóa và khu thể thao. Các công trình, thiết chế văn hóa như nhà truyền thống, phòng đọc sách, khu thể dục thể thao hiện nay nhiều địa phương còn chưa có, hoặc nếu có thì thiếu thốn, lạc hậu các trang thiết bị, cơ sở vật chất xuống cấp.

Đến đề xuất một số giải pháp…

Để hoạt động của các trung tâm văn hóa thể thao trên địa bàn thành phố ngày càng hiệu quả, cũng như xác định rõ vai trò của trung tâm văn hóa - thể thao là nơi không chỉ tổ chức các hoạt động chính trị, nơi tổ chức các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân một cách thường xuyên, thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục triển khai một số giải pháp: 

Trước hết, cần cụ thể hóa quy hoạch đất cho lĩnh vực văn hóa, thể thao trong quá trình lập đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị. Đảm bảo đất cho văn hóa, thể thao theo chỉ tiêu được phê duyệt, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau quy hoạch để tạo điểm sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao cho người dân thành phố. Trước mắt, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025. Đầu tư xây dựng các TTVHTT quận, huyện xứng tầm phục vụ các sự kiện văn hóa thể thao của thành phố, quốc gia và quốc tế do thành phố đăng cai.

Tiếp tục rà soát các công trình, thiết chế văn hóa thể thao cơ sở hiện có để đề xuất các giải pháp đầu tư hoàn thiện, đồng bộ từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị, nhân lực, đảm bảo tiêu chí, quy định của Trung ương. Đồng thời, có giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi và giải trí của người dân địa phương. Đầu tư hoàn thiện các hạng mục tại trung tâm văn hóa thể thao quận, huyện, xã, phường nhằm đảm bảo tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn huyện.

Các trung tâm văn hóa thể thao trên địa bàn thành phố nghiên cứu đổi mới phương thức tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm văn hóa thể thao phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đồng thời, nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu và quy định về tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao. Thường xuyên xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và trách nhiệm đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao, cộng tác viên.

Ngoài ra, sớm đề xuất, sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến chính sách xã hội hóa, phù hợp với quy định của pháp luật đất đai và các luật có liên quan, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các Luật, các văn bản, tạo hành lang pháp lý cho các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội hóa nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, để phát huy hiệu quả hoạt động của các trung tâm văn hóa thể thao trên địa bàn thành phố, ngày càng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của người dân.

Thảo Linh