Sứ mệnh của người đại biểu
Từ Hiến pháp Việt Nam năm 1980 (Điều 119), Hiến pháp năm 1992 (Điều 122) và được sửa đổi bổ sung năm 2001 (Điều 121); cho đến Hiến pháp mới nhất hiện hành năm 2013 (Điều 115), đều có định nghĩa và quy định vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND. Đặc biệt, trong Luật Tổ chức HĐND và UBHC (Ủy ban hành chính) năm 1962, cho đến Luật Tổ chức HĐND và UBND qua các năm, ban hành mới nhất là Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cũng dành riêng một Chương (Mục) kèm theo quy định tại nhiều điều (khoảng 09 đến 14 điều) về các nội dung, vấn đề liên quan trực tiếp đến đại biểu HĐND. Qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cho thấy thời gian càng về sau thì việc quy định vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn đối với đại biểu HĐND ngày càng rõ ràng, cụ thể hơn. Càng không ngẫu nhiên khi các quy định pháp luật hiện hành sớm bổ sung quy định cụ thể liên quan đến việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc thôi làm nhiệm vụ đối với các đại biểu không đảm bảo được các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.

Trên hết thảy, Hiến pháp, Luật và các văn bản triển khai Luật đều khẳng định sứ mệnh của Đại biểu HĐND là “Người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương”. Và hiển nhiên rằng, mỗi người dân địa phương khi cầm tấm phiếu để bầu ra đại biểu HĐND đều mong muốn người đại biểu ấy thực sự làm cầu nối hiệu quả; là người đại diện mạnh mẽ cho tiếng nói của mình trước các cấp chính quyền ở địa phương; thiết thực góp phần giúp cho quyền lợi chính đáng và cuộc sống của người dân được đảm bảo tốt hơn.
Những kết quả đạt được
Trong thực tiễn cũng như qua tham khảo nội dung báo cáo kết quả hoạt động năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018 của Thường trực HĐND thành phố, của Thường trực HĐND các quận, huyện trình tại kỳ họp HĐND cho thấy trong thời gian qua, nhất là năm 2017, nhìn chung, đại biểu HĐND các cấp của thành phố Đà Nẵng ý thức cao vai trò, trách nhiệm của mình đối với cử tri; đã cơ bản hoàn thành tốt trách nhiệm, nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân trên các mặt công tác theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo đánh giá khách quan của Ủy ban MTTQVN thành phố Đà Nẵng tại Thông báo số 32/TB-MTTQ-BTT ngày 15/01/2018 của UBMTTQVN thành phố về kết quả thực hiện Đề án giám sát hoạt động đại biểu dân cử trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2017 ghi nhận: “Có nhiều đại biểu hoạt động rất tích cực trên địa bàn phụ trách nhận được nhiều lời khen ngợi của nhân dân; nhiều đại biểu có trách nhiệm cao trước cử tri, thường xuyên lắng nghe ý kiến cơ sở, gần gũi với cử tri, tích cực kiến nghị các ngành, các cấp giải quyết kiến nghị, đơn thư của cử tri; tham gia phát biểu ý kiến tại các kỳ họp với các nội dung có trọng tâm, phản ánh đúng những vấn đề cử tri đang quan tâm hoặc bức xúc; nhiều đại biểu đã thực hiện tốt việc tiếp dân định kỳ hàng tháng tại trụ sở làm việc và nơi ứng cử theo lịch phân công; thường xuyên đôn đốc và giám sát các ngành chức năng trong việc giải quyết các vấn đề mà nhân dân phản ánh. Hoạt động của các đại biểu dân cử ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, qua đó củng cố thêm niềm tin của cử tri và nhân dân đối với các đại biểu dân cử, góp phần xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh”…
Một số hạn chế
Kỳ họp HĐND là hoạt động chủ yếu của HĐND, theo đó, vai trò và hiệu quả hoạt động của mỗi đại biểu HĐND sẽ được thể hiện rõ nét nhất tại “diễn đàn” này. Bên cạnh những đóng góp quan trọng của các đại biểu tại các kỳ họp HĐND, qua theo dõi việc rút kinh nghiệm sau mỗi kỳ họp HĐND của Thường trực HĐND thành phố và của hầu hết Thường trực HĐND các quận, huyện đều tự nhận thấy vẫn còn một số vị đại biểu chưa phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, nhiệm vụ khi tham gia các hoạt động tại kỳ họp.
Trong Báo cáo số 436/BC-MTTQ-BTT ngày 08/01/2018 của Ủy ban MTTQVN thành phố về kết quả thực hiện Đề án giám sát đại biểu dân cử trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2017 có đánh giá: “Một số đại biểu tại các kỳ họp, phiên họp ít phát biểu và ít tham gia chất vấn, chưa thể hiện rõ chính kiến, quan điểm của đại biểu đối với các vấn đề xây dựng thành phố cũng như các chính sách liên quan đến đời sống dân sinh”…
Cũng theo Báo cáo số 118/BC-BCTĐB ngày 09/3/2018 của Ban Công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018 có nhận định rằng: “Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND còn lúng túng về phương pháp”; “Kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động của đa số đại biểu HĐND kiêm nhiệm chưa tích cực tham gia các hoạt động của HĐND nói chung và hoạt động của Thường trực, các Ban và các Tổ đại biểu HĐND nói riêng và kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu chưa cao”…
Các nguyên nhân chính
- Hầu hết đại biểu HĐND các cấp hoạt động kiêm nhiệm, do bận công tác chuyên môn nên ít dành thời gian cho hoạt động đại biểu; tham gia không đầy đủ vào hoạt động giám sát của các Ban, các Tổ đại biểu HĐND có mình là thành viên.
- Phần lớn đại biểu làm tốt nhiệm vụ liên hệ, tiếp nhận, phản ánh thông tin, hoặc kiến nghị vụ việc, vấn đề đến Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND và đến chính quyền địa phương; nhưng việc phản ánh đa phần chỉ dừng lại ở mức phản ánh tình hình chung, chưa sâu sát hoàn cảnh, nội tình vấn đề, vụ việc, chưa nắm rõ thẩm quyền giải quyết, chưa đồng hành đến cùng với người dân và chính quyền địa phương để đề xuất cách tháo gỡ vướng mắc nhằm giải quyết rốt ráo vấn đề, vụ việc, tránh kiến nghị kéo dài hoặc vượt cấp.
- Xét theo cơ cấu đại biểu khi bầu cử có khác nhau nên phần lớn đại biểu HĐND chỉ am hiểu lĩnh vực hoạt động của mình; vừa thiếu kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, vừa thiếu chủ động tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo Nghị quyết được trình tại kỳ họp HĐND; chưa chủ động suy nghĩ, tìm tòi để mạnh dạn hiến kế, đề xuất với HĐND những chủ trương, chính sách có lợi cho dân đặt trong sự phát triển hài hòa của địa phương; do vậy vẫn còn một số nội dung trong nghị quyết HĐND đề ra nhưng khó khả thi, nhất là về thời hạn yêu cầu hoàn thành từng nội dung, vấn đề trong thực tiễn.
Còn một số bất cập trong các văn bản, quy định pháp luật hiện hành
- Trong các quy định trước đây cũng như các quy định của pháp luật hiện hành chưa nêu rõ chế tài cụ thể, rõ ràng đối với UBND và các cơ quan, đơn vị, địa phương không chấp hành đúng Nghị quyết của HĐND, không thực hiện đủ kiến nghị qua giám sát của các Ban HĐND, không giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri, các đơn thư của công dân do đại biểu HĐND trực tiếp giám sát và phản ánh. Hiện nay luật chỉ dừng lại ở mức quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương phải báo cáo, giải trình khi HĐND, Thường trực, các Ban, đại biểu HĐND có yêu cầu; và chỉ tiếp tục kiến nghị xử lý “trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý” (theo Điều 89 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được ban hành tháng 11 năm 2015, mới có hiệu lực thi hành kể từ tháng 7 năm 2016). Như vậy, tính nghiêm túc và răn đe đối với các cơ quan hành pháp trong việc chấp hành Nghị quyết HĐND, trong việc giải quyết các kiến nghị, phản ánh của đại biểu HĐND chưa thật chặt chẽ nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thật sự của HĐND - “Cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”.
- Việc theo dõi, đánh giá, tổng kết hiệu quả hoạt động của mỗi đại biểu HĐND cũng chưa được quy định rõ trong các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến công tác thi đua - khen thưởng. Trên thực tế, Thường trực HĐND các cấp chủ động theo dõi, căn cứ vào những đóng góp nổi bật của từng đại biểu tại các kỳ họp cũng như các hoạt động liên quan khác để đến cuối nhiệm kỳ có đánh giá chung và chọn một số đại biểu có thành tích tốt nhất để đề nghị Khối chính quyền xem xét tuyên dương, khen thưởng theo Luật Thi đua - Khen thưởng. Như vậy tính động viên, khích lệ đối với hoạt động của đại biểu HĐND chưa rõ nét; trên thực tế các đại biểu HĐND hoạt động bởi sự tâm huyết và tự ý thức trách nhiệm của mình trước HĐND và trước các cử tri đã bầu ra mình.
Một số giải pháp chủ yếu
Như đã khẳng định ở trên, đại biểu HĐND là “người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HĐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình”. HĐND có thật sự hiệu lực, hiệu quả thì được thể hiện trước hết ở vai trò, hiệu quả hoạt động, sự đóng góp của mỗi vị đại biểu HĐND. Trong phạm vi bài viết này, xin đề xuất một số giải pháp chủ yếu như sau:
1. Đại biểu HĐND:
- Cần quán triệt, nhận thức đúng, đủ; thể hiện rõ vai trò, vị trí; thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu nhân dân theo luật định; Dành thời gian cho hoạt động đại biểu theo đúng quy định pháp luật, nhất là đại biểu hoạt động không chuyên trách “phải dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND” (Điều 103 Luật Tổ chức chính quyền địa phương); Sát dân, cùng trăn trở nỗi lo của dân, hiểu được các quyền lợi chính đáng mà người dân được hưởng; thực sự gắn bó với các cử tri đã bầu ra mình, nhất là cần thực hiện đúng Chương trình hành động đã hứa với cử tri khi được bầu.
- Bám sát các Nghị quyết của HĐND, các Chương trình, Kế hoạch giám sát của HĐND, các nội dung do Thường trực, Ban hoặc Tổ đại biểu HĐND phân công trực tiếp cho đại biểu để triển khai thực hiện; dùng thực quyền của người đại biểu để làm việc với chính quyền cấp cơ sở, theo đuổi đến cùng việc giải quyết các kiến nghị trước khi tiếp tục kiến nghị, phản ánh lên cấp trên khi việc giải quyết cho dân chưa thật thỏa đáng.
- Thường xuyên kiểm tra thực tế tại địa phương, cơ sở; đồng thời vận dụng những kinh nghiệm của bản thân trong lĩnh vực chuyên môn và từ thực tiễn cuộc sống để chủ động đề xuất với HĐND, với Thường trực HĐND những nội dung, vấn đề, chủ trương, chính sách mang lại quyền lợi chính đáng cho người dân.
2. Các Ban, các Tổ đại biểu HĐND cần tăng cường hoạt động theo hướng tập trung giám sát, hậu giám sát, giám sát theo chuyên đề, nâng cao vai trò đại biểu là thành viên của Ban, của Tổ bằng việc phân công cụ thể nhiệm vụ cho đại biểu phụ trách bám sát từng địa bàn, từng nội dung, vụ việc; duy trì sinh hoạt đều đặn để kịp thời tiếp nhận, tổng hợp, kiến nghị xử lý rốt ráo đối với các phản ánh của đại biểu HĐND trong thời gian sớm nhất, tránh kéo dài, vượt cấp.
3. Thường trực HĐND cần chú trọng phát huy vai trò đại biểu HĐND, nhất là các đại biểu hoạt động không chuyên trách; kết hợp với việc khuyến khích, phân công đại biểu trực tiếp đăng ký giám sát theo chuyên đề, lĩnh vực, vấn đề cụ thể phù hợp với tâm huyết và điều kiện của từng vị đại biểu; tập trung phát huy trí tuệ tập thể của HĐND bằng việc đề nghị, tạo điều kiện cho đại biểu tham gia các hoạt động giám sát và tham gia đóng góp nhiều hơn các ý kiến, đề xuất, xây dựng chủ trương, chính sách, các nội dung trong Nghị quyết của HĐND nhằm đảm bảo quyền lợi thiết thực, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho người dân; đồng thời tiếp tục kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Công tác đại biểu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện sớm các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của HĐND nói chung, của đại biểu HĐND nói riêng để đảm bảo cho được hiệu lực, hiệu quả của HĐND và khẳng định rõ hơn nữa vai trò của người đại biểu nhân dân trong hệ thống chính quyền địa phương.
4. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân cần nhận thức đúng vai trò, vị trí, quyền hạn của người đại biểu HĐND; chấp hành nghiêm túc các yêu cầu, đề nghị của đại biểu HĐND trong quá trình giám sát theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc giải quyết các kiến nghị, phản ánh của đại biểu với tư cách là người đại diện cho cử tri ở địa phương.