Mở đầu
Hiện nay, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước những thách thức to lớn của thời đại như sự biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải sử dụng có trách nhiệm các nguồn lực của mình, đặc biệt là nguồn lực tự nhiên và nhân văn. Trong bối cảnh đó, phát triển du lịch theo hướng bền vững trở thành xu thế chung và cũng là giải pháp tối ưu cho việc phát triển ngành du lịch.

Ảnh: sưu tầm
Thành phố Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn tài nguyên du lịch phong phú. Trong những năm qua, thành phố đã chú ý đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là các tuyến đường giao thông cùng những công trình kiến trúc nhằm tạo ra những điều kiện tốt để thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Bên cạnh đó nhiều loại hình du lịch mới được triển khai đã góp phần làm đa dạng hoá sản phẩm du lịch của thành phố. Nhờ đó, ngành du lịch Đà Nẵng đã phát triển nhanh chóng, hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, quá trình phát triển du lịch chưa theo hướng bền vững, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch với giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Do đó, việc đề ra các giải pháp nhằm khai thác các tiềm năng du lịch để phát triển kinh tế- xã hội thành phố nhưng vẫn đảm bảo mối quan hệ hài hoà giữa lợi ích hiện tại và tương lai là một đòi hỏi cấp bách đối với thành phố Đà Nẵng. Trong bối cảnh này, phát triển du lịch theo hướng bền vững là con đường lý tưởng nhất cho ngành du lịch thành phố.
1. Phát triển du lịch bền vững là gì?
Theo Tổ chức du lịch thế giới (WTO - the World Tourism Organisation) thì “Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của du khách và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thoả mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hoá, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống của con người”. Như vậy, phát triển du lịch bền vững là hoạt động phát triển du lịch ở một khu vực cụ thể sao cho nội dung, hình thức và quy mô là thích hợp và bền vững theo thời gian, không làm suy thoái môi trường, không làm ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ các hoạt động phát triển khác. Ngược lại tính bền vững của hoạt động phát triển du lịch được xây dựng trên nền tảng sự thành công trong phát triển các ngành khác, sự phát triển chung của toàn xã hội.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và Phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Braxin) năm 1992 và Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002 đã xác định “Phát triển bền vững được hình thành trong sự hoà nhập, đan xen và thoả hiệp của 3 hệ thống tương tác là hệ kinh tế, hệ văn hoá-xã hội và hệ môi trường”. Như vậy, khi xem xét tính bền vững của hoạt động du lịch, cần có sự đánh giá một cách tổng quát trên cả ba phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển du lịch bền vững mang tính ba chiều, giống chiếc kiềng ba chân. Nếu một chân bị gãy, cả hệ thống sẽ bị sụp đổ.
2. Giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Đà Nẵng đến năm 2020
a. Bền vững về kinh tế
Trong ngành du lịch, sự phát triển bền vững về kinh tế đứng trên góc độ một tỉnh, thành phố được hiểu là sự phát triển nhanh, đa dạng các loại hình, các sản phẩm du lịch; sự tăng trưởng ổn định của số khách du lịch và doanh thu đạt được qua từng năm từ các hoạt động du lịch địa phương. Đối với thành phố Đà Nẵng, để ngành du lịch phát triển bền vững về khía cạnh kinh tế, cần thực hiện các giải pháp sau:
(1) Giải pháp về đầu tư phát triển: đó là tăng cường sự đóng góp vào GDP của thành phố từ ngành du lịch, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch, cụ thể:
+ Thứ nhất, ngành du lịch phải có vai trò đóng góp nhiều trong tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng bởi lẽ đây là ngành kinh tế mũi nhọn. Để làm được điều này cần tập trung vào ba yếu tố cơ bản: khai thác tiềm năng du lịch về tự nhiên, nhân văn của thành phố, huy động các nguồn vốn đầu tư trong, ngoài nước, chú trọng đến khía cạnh xã hội hoá du lịch để thu hút sự tham gia của cộng đồng và yếu tố quan trọng nhất đó là tăng cường đầu tư cho nguồn nhân lực. Đây chính là trung tâm của mọi nguồn lực.
+ Thứ hai, để phát triển du lịch thì yếu tố kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đối với những tuyến đường bộ được xác định là lộ trình du lịch với hành trình dài cần xây dựng và hình thành trạm dịch vụ dọc theo các tuyến đường bộ với khoảng cách hợp lý ; đối với đường hàng không, cần xây dựng lộ trình mở, khai thác thêm các tuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng và các tuyến bay nội địa trực tiếp giữa các thành phố lớn khác đến Đà Nẵng. Đối với đường biển, cần nghiên cứu xây dựng các tuyến du lịch đường biển đến Đà Nẵng, quy hoạch và nâng cấp để tiếp nhận được các tàu du lịch biển quốc tế tải trọng lớn.
+ Thứ ba, cần chú trọng chất lượng của các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú; dự báo về lưu trú và cơ sở lưu trú du lịch làm cơ sở để xây dựng và công bố quy hoạch phát triển cơ sở lưu trú đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Quy hoạch phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp tại các khu du lịch biển, các đô thị du lịch.
(2) Giải pháp huy động và sử dụng nguồn vốn
Để huy động nguồn vốn đầu tư cho du lịch, cần khơi thông tất cả mọi nguồn vốn đầu tư trên địa bàn Thành phố, trong đó ưu tiên nguồn vốn ngân sách, vốn ODA và đa dạng hóa các hình thức tạo lập vốn, thực hiện chính sách xã hội hóa đối với hoạt động đầu tư vào du lịch ; cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài song song với việc xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc lưu thông hàng hóa và phát triển các loại hình dịch vụ ở các khu, điểm du lịch.
(3) Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch
Nguồn nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất trong phát triển du lịch theo hướng bền vững. Vì vậy, cần tăng cường đào tạo để xây dựng được đội ngũ lao động chất lượng cao với phẩm chất chính trị vững vàng, trình độ và kỹ năng nghiệp vụ giỏi, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của ngành du lịch thành phố trong giai đoạn hiện nay. Để làm được điều này, cần khai thác triệt để thế mạnh về đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch cao cấp của Đại học Đà Nẵng (Trường Đại học Kinh tế) đi đối với củng cố và tăng cường tổ chức bộ máy quản lý về du lịch của thành phố Đà Nẵng (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các đơn vị trực thuộc chuyên trách về du lịch).
b. Bền vững về văn hoá-xã hội
Phát triển du lịch bền vững về mặt xã hội có nhiều nội dung cần quan tâm giải quyết như giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hoá của địa phương, hạn chế ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực từ văn hoá và lối sống bên ngoài, nâng cao trình độ mọi mặt cho người dân. Để làm được điều này, ngành du lịch Đà Nẵng cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
(1) Giải pháp về tổ chức lãnh thổ du lịch
Thành phố cần tập trung đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác các khu du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí như Non Nước - Ngũ Hành Sơn - Bắc Mỹ An; Mỹ Khê - Nam Thọ - Sơn Trà và khu du lịch phía Tây Thành phố: Xuân Thiều - Nam Ô - Hải Vân, mở rộng không gian du lịch Bà Nà - Suối Mơ; các khu Nam - Tây Nam Thành phố như Đồng Nghệ - Phước Nhơn; khu du lịch làng quê Hoà Xuân, Hoà Châu, Hoà Tiến, Thái Lai (Hoà Nhơn) nhằm khai thác các thế mạnh về tài nguyên du lịch để đa dạng hoá loại hình du lịch hấp dẫn du khách.
Đồng thời bố trí các tuyến du lịch trọng điểm như tuyến du lịch từ Đà Nẵng ra các tỉnh phía bắc Thành phố. Tuyến này sẽ nối với các tuyến du lịch quốc gia từ Hà Nội đi các hướng: Tây Bắc, phía Bắc, Đông Bắc. Tuyến du lịch từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Nam, tuyến sẽ đi qua các khu du lịch của các tỉnh phía Nam thành phố Đà Nẵng đến thành phố Hồ chí Minh, tuyến sẽ nối với tuyến đi miền Đông và tuyến đi miền Tây.
Bên cạnh đó, cần bố trí hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch như hoàn thiện chất lượng dịch vụ viễn thông, cải thiện mạng lưới rộng hơn, triển khai nghiên cứu phát triển các dịch vụ mới, xây dựng trung tâm bưu chính với trang thiết bị hiện đại ; Đảm bảo mục tiêu đáp ứng nhu cầu dùng điện cho các khu du lịch, đảm bảo cung cấp 24/24h cho các khu du lịch ; Sửa chữa nâng cấp các hồ chứa nước, nâng cấp và mở rộng hệ thống thoát nước nhằm đảm bảo đủ nước cho khu vực du lịch, đảm bảo chất lượng nước theo tiêu chuẩn WHO.
(2) Giải pháp về xúc tiến, quảng bá du lịch
Để nâng cao nhận thức mọi mặt về du lịch các cấp, các ngành và nhân dân, hình thành và hướng dẫn nhu cầu du lịch nội địa; tạo lập và nâng cao hình ảnh của du lịch Đà Nẵng, bên cạnh việc nâng cao chất lượng của hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố cần chú trọng hoạt động xúc tiến du lịch. Đây chính là nhịp cầu để du khách thế giới có cơ hội tìm hiểu và khám phá về Đà Nẵng. Do đó, cần tập trung vào các sản phẩm du lịch đặc trưng của Thành phố trên cả thị trường trong quốc tế và nội địa, đặc biệt là những sản phẩm có tính cạnh tranh song song với việc huy động các nguồn lực cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá cho du lịch.
(3) Giải pháp về tăng cường xã hội hoá du lịch
Thành lập Quỹ Phát triển du lịch của thành phố Đà Nẵng dùng để hỗ trợ công tác đầu tư du lịch cho các tổ chức, cá nhân bằng cách cho vay với lãi suất thấp, hoặc tham gia trực tiếp đầu tư dự án du lịch, hỗ trợ cho công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch của Thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực khác cho công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch.
(4) Giải pháp tăng cường liên kết giữa các ngành chức năng trong phát triển du lịch
Để đảm bảo ổn định trật tự xã hội, cần có sự kết hợp tốt giữa các ngành chức năng và địa phương trong việc đảm bảo môi trường du lịch tại các tuyến, điểm du lịch và các điểm tham quan, mua sắm của Thành phố. Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, luôn có thái độ ân cần, thân thiện đối với khách du lịch, tạo tâm lý dễ chịu và thiện cảm cho du khách về con người Đà Nẵng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
(5) Giải pháp đề cao vai trò của cộng đồng dân cư
Trong quá trình phát triển du lịch, cần tôn trọng và vận động cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định, nâng cao năng lực để cho họ hiện thực hóa các sáng kiến đề ra. Quá trình lập dự án, thẩm định và triển khai dự án du lịch cần có sự tham gia của địa phương nhằm giảm thiểu các tác động xã hội và tối đa hóa yếu tố tích cực bởi cộng đồng địa phương là những người chịu tác động trực tiếp của các dự án du lịch.
Bên cạnh đó, khi triển khai dự án du lịch cần phải tính đến việc triển khai các hoạt động, chương trình gắn kết giữa hoạt động của các dự án đầu tư và các hoạt động làm ăn, sinh sống cho cư dân thuộc vùng dự án tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp và người dân để nâng cao mức sống cho cộng đồng dân cư.
c. Bền vững về tài nguyên-môi trường
Sự phát triển của ngành du lịch gắn chặt chẽ, mật thiết với môi trường, đặc biệt là môi trường tự nhiên nên việc giữ gìn bảo vệ môi trường là vô cùng quan trọng trong phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Đối với môi trường tự nhiên, cần duy trì và cải tạo cảnh quan biển; tăng cường hơn nữa đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý rác thải ven vịnh Đà Nẵng và bờ biển Sơn Trà-Non Nước. Bên cạnh đó, cần có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt rừng cấm Sơn Trà và khu bảo tồn thiên nhiên, tăng diện tích cây xanh trong nội thành. Xây dựng một bản đồ quy hoạch du lịch tổng thể để tránh nguy cơ các dự án, dịch vụ phát triển ồ ạt dẫn đến phá vỡ cảnh quan, môi trường.
Đối với môi trường nhân văn, cần đảm bảo kiến trúc các công trình du lịch hài hoà với thiên nhiên, mang bản sắc văn hoá truyền thống đặc trưng của địa phương, phát triển các mô hình du lịch tạo điều kiện gìn giữ và phát huy môi trường văn hoá, lịch sử và xã hội. Ngoài ra, cần không ngừng nâng cao năng lực về du lịch cho mọi chủ thể và cần phải tuân thủ những mô hình phát triển du lịch lành mạnh và hiệu quả nhất. Đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch, ứng xử văn minh và thân thiện.
Kết luận
Có thể thấy rằng, phát triển du lịch bền vững không chỉ là vấn đề riêng của thành phố Đà Nẵng mà nó luôn là vấn đề cấp bách đối với quá trình phát triển du lịch Việt Nam. Đối với thành phố Đà Nẵng, một trong những thành phố du lịch lớn của cả nước, ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì vấn đề phát triển trở nên vô cùng quan trọng. Do đó, để trở thành thương hiệu điểm đến du lịch hoàn hảo, Đà Nẵng cần phải thực hiện một cách quyết liệt những giải pháp phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường cùng với những ý tưởng sáng tạo và độc đáo hơn nhằm khẳng định vị thế du lịch của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực ở hiện tại cũng như trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư khoá VIII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ năm khoá IX, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đai biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Hội
[6] Bùi Thuỳ Linh lược dịch (2009), "Phát triển bền vững là gì? Mục tiêu, Chỉ số, Giá trị và Thực tiễn", Robert W. Kates, Thomas M. Parris, và Anthony A. Leiserowitz
[7] Ban Chấp hành Trung ương - Nghị quyết của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển Thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
[8] Quốc hội (44/2005) - Luật Du lịch
[9] Chính phủ (148/2004) - Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Phương hướng chủ yếu phát triển Kinh tế- Xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”
[10] Cục thống kê Thành phố Đà Nẵng (10/2006)- Số liệu thông kê “Thành phố Đà Nẵng 10 năm-Thành tựu và phát triển”
[11] UBND thành phố Đà Nẵng- Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch (10/2006) - Chương trình “Phát triển sản phẩm du lịch giai đoạn 2007-2010”.